Rx 90.
Truyện ngắn
Bên ngoài khung cửa
Đơn Phương Thạch Thảo
Hoa khóa cửa từ bên trong rồi cất ngay chìa khóa vào một cái hộp
có khóa, cất vào tủ khóa lại lần nữa, thấy vậy Hiển ngạc nhiên hỏi:
- Để
chìa khóa ở ngoài chứ sao cất kỹ làm gì?
- Nội
bất xuất, ngoại bất nhập. Chấp hành chỉ thị 16 nghiêm túc. Coi như đây là thời
gian vợ chồng mình hưởng tuần trăng mật! Từ hồi nào đến giờ tụi mình chưa có
nhiều thời gian dành cho nhau. Nay một công đôi việc.
- Rồi
khi cần ra ngoài mua gì, lại phải mất công mở hai ba lớp khóa để lấy chìa khóa.
Bộ tính nhịn đói à?
- Không
cần ra ngoài, vì cũng không biết thứ gì được cho là thiết thực, lỡ bị phạt thì
phiền phức. Tất cả em đã lo từ đợt dịch trước, phòng bị cả rồi.
Hoa là
một bà nội trợ đảm đang biết tính toán trước sau, nên khi nghe rục rịch con
virus lợi hại từ xứ láng giềng du lịch khắp nơi, là nàng lo mua dần các thứ cần
thiết để tích trữ cho gia đình sử dụng trong một thời gian dài. Cứ dùng gần hết
là nàng lại mua cất vào, gọi là “gối đầu”, nên hôm nay có lệch giãn cách xã
hội, nàng chẳng lo gì sất.
Mấy
ngày đầu đóng cửa ở trong nhà, hai vợ chồng vui vẻ như mùa Xuân đang tới vì có
thời gian để nghỉ ngơi và tâm sự đời tôi cho “đối phương” nghe với tất cả nỗi
lòng. Hoa có cơ hội chăm sóc Hiển, và Hiển cũng có dịp để ngắm Hoa xinh tươi
trong những bộ cánh mát mẻ, khêu gợi mà trước đây Hoa không có dịp “biểu diễn”
vì cả hai cùng phải đi làm, tối về thời gian không đủ cho Hoa chăm sóc nhan sắc,
nay là cơ hội cho nàng khoe sự quyến rủ của mình. Căn nhà nằm trong hẻm nên họ
không biết những biến động bên ngoài ra sao, họ cứ bình yên trong thế giới của
mình.
Dù xem tin tức thấy các ca nhiễm bệnh tăng
dần, nhưng Hoa nghe những người làm công tác chống dịch sẽ có cách khống chế và
tin rằng sau hai tuần “giãn cách” mọi sự sẽ đâu vào đấy. Nhưng những thông tin
lây nhiễm tăng nhanh đến chóng mặt làm họ bắt đầu lo lắng khi lệnh giãn cách lại
tiếp tục và tiếp tục. Nhất nhật bị nhốt tại nhà, bằng thiên thu tại ngoài đường,
sự tù túng bắt đầu làm cho Hoa khó chịu. Còn hiển không được đi làm để tiếp xúc
với đồng nghiệp, bạn bè đã đành, nhưng cứ ngồi mãi trong nhà anh e không ổn khi
tiền lương không có, dù họ chưa đến nổi túng thiếu nhờ sự khéo léo biết dành
dụm của Hoa.
Chẳng
có việc gì làm, nhìn nhau mãi cũng bắt đầu chán. Hiển chẳng biết làm gì ngoài việc quan sát Hoa, chợt thấy nàng nói nhiều
không e ấp rụt rè như cô bạn đồng nghiệp vẫn đứng cạnh chàng trong dây chuyền
sản xuất. Da thịt Hoa cứ lồ lộ ra không kín đáo như chị kế toán của công ty, mà
dù Hoa không để lồ lộ ra thì không cần nhìn Hiển cũng biết tất tần tật, nên họ không
nhìn ngắm nhau nữa, hai người với hai cái điện thoại nằm khoanh hai góc theo
dõi tình hình trên thế giới, theo dõi cuộc sống quanh ta và họ thấy dân tình
bắt đầu nhốn nháo vì cái sự thiếu rau, thiếu gạo, thiếu mỳ. Những cảnh rồng rắn
xếp hàng nhận cơm được phát từ những người hảo tâm cứu trợ. Hoa luôn cười khảy
rồi nói “Sao lúc làm được không biết tích cóp để dành rồi bây giờ phải kêu cứu
trợ!”. Nghe vậy Hiển lên tiếng “Không phải ai cũng lương cao đủ chi phí mọi thứ
mà vẫn còn dư. Nhiều nhà còn nuôi con nhỏ, đâu phải như vợ chồng mình không tốn
tiền trọ, chưa con cái. Nhưng dù họ túng thiếu vì lý do gì mình cũng không nên
phê phán, trước mắt là phải “cứu” họ cái đã… ”.
Loanh
quanh mãi trong phòng như bị cầm tù, Hoa chợt thấy bức bối và cáu gắt dù với
một việc nhỏ, vậy mà con thằn lằn từ đâu trên trần nhà chọc giận ị một phát
xuống tay, nàng gầm gừ hét lên:
- Anh
xử nó cho em!
Hiển ngồi bó gối thở dài thườn thượt. Mắt láo
liên nhìn hết vách này đến vách kia, chợt giật mình khi nghe lệnh từ vợ. Hiển
nhìn con thằn lằn sau khi làm cái việc mất vệ sinh kia vẫn còn bám trên vách
chả sợ thiên đàng, địa ngục gì cả. Hiển bèn chộp lấy cây chổi phang nhanh một
phát trúng đích, con thằn lằn rơi xuống, rồi bị anh đập thêm một chổi làm nó
nằm ngay đơ. Chiến thắng vẻ vang, anh gọi vợ:
-Từ nay em sẽ không còn bực mình vì cái
vụ thằn lằn ị bẩn nhà nữa nhé, anh đã tiêu diệt nó rồi.
Hoa gắt:
-Việc cỏn
con mà dùng từ ngữ đao to búa lớn quá.
- Ồ! Phải
“khí thế” cho phù hợp với tình hình rất là tình hình như hiện nay chứ.
Đó là việc
đầu tiên có thể “ghi công” mà Hiển làm được trong những ngày chấp hành lệnh
không được ra khỏi nhà.
Nhưng Hoa
có vẻ sinh tật, nàng hay càu nhàu hết chuyện này đến chuyện kia. Những chuyện
vô lý nàng vẫn nói:
- Vặn nhỏ
truyền hình cho đỡ tốn điện!
- Vặn chậm
quạt máy cho đỡ tốn điện.
Hiển
nhường vợ mọi sự không đôi co để giữ hòa khí. Một phần anh thấy sự sống của con
người thật mong manh trong tình hình dịch bệnh tràn lan. Trong lòng anh dấy lên
một nỗi buồn khi thấy cảnh người mắc bệnh giã từ cuộc sống trong khu cách ly,
hay trong bệnh viện mà không thấy mặt người thân, cảnh ly biệt thương tâm xảy
ra hàng ngày như một ám ảnh cứ chợp mắt là hiện ra trong suy nghĩ. Đã vậy cứ mở
Facebook ra là thấy các khu nhà bị cách ly đang kêu cứu, xin hổ trợ lương thực.
Thành phố ngày đêm vang tiếng còi hụ của xe cứu thương, buồn quá đỗi.
Bên ngoài
khung cửa yên bình này là cảnh khốn khổ của người nghèo, những người tha phương
cầu thực nay mất việc ở lại không xong, mà về quê cũng không được. Hiển xúc
động thấy những đoàn thiện nguyện len lỏi vào khắp các ngả đường phát lương
thực, thực phẩm cho người vô gia cư. Anh chợt muốn tham gia vào các đoàn thiện
nguyện, không có của thì mình giúp sức, vừa nói ý định với Hoa thì cô la toáng
lên:
- Việc
cứu đói cho dân không phải là nhiệm vụ của mình. Anh làm việc thiện đâu không
thấy, lạng quạng ra bị phạt thì người cơ nhỡ có cho tiền để anh nộp phạt không?
- Đã cơ
nhỡ thì tiền đâu mà cho?
- Vậy thì
mặc kệ họ đi, ai có thân nấy lo. Chưa nói anh ra ngoài có thể nhiễm bệnh…
- Em sống
như vậy là vô cảm với đồng loại. Nếu ai cũng nghĩ như em thì làm gì có cảnh
nhiều người thức khuya dậy sớm nấu cơm rồi còn mang đi phân phát?
- Ai ra
đường lúc này là thiếu ý thức.
- Em
không được nói như vậy, thử đặt mình vào hoàn cảnh của người ta rồi sẽ hiểu.
Thấy tin anh xe ôm nghèo phải liều đi chở hàng để kiếm tiền mua gạo. Có giải
pháp gì để anh ta ở nhà…?
- Không
nói nhiều! Anh bước ra khỏi cửa thì mình ly dị…
Tranh cãi
một lúc, Hiển phải bỏ ý định của mình. Ý vợ là ý trời mà!
ooo
Sau gần
hai tháng tự nhốt trong nhà tuân thủ chỉ thị “Ai ở đâu thì yên đó”. Những thực
phẩm để lâu được thì Hoa đã mua chất đầy một góc nhà, nhưng thứ gì tươi sống
thì không có. Họ bắt đầu thấy thiếu rau, ôi cái món mà trước đây là của nhà
nghèo nay nhà giàu cũng thiếu, mới thấy trên đời này thứ giá trị nhất là thứ
người ta cần, cần cái gì thì cái đó là quan trọng. Hiển chợt nghĩ “Nếu lạc vào
một hoang đảo đầy kim cương ngoài ra không có một thứ gì khác, người ta có xem
kim cương là thứ quý báu nữa không?”, hai vợ chồng muốn được ăn một bữa có rau,
rau gì cũng được, nhưng đó là mơ ước.
Rồi một
hôm dãy nhà của Hoa xuất hiện những người thiện nguyện mang quà tới. Thì ra
không phải nhà ai cũng chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm như nhà của họ.
Vài nhà trong khu vực lên mạng xã hội gởi lời xin được giúp đỡ vì không còn gì
để ăn, nhờ vậy khi đoàn thiện nguyện đến, nhà Hoa cũng được nhận một phần với
gạo, mỳ, rau, củ quả như mọi nhà khác. Khi đón bao hàng từ tay người phát quà
tận cửa, Hoa nhìn cô gái mặc đồ bảo hộ kín mít giữa thời tiết nóng bức, nàng
chỉ thấy được đôi mắt trên khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi của cô gái, đôi mắt với
tia nhìn rạng ngời, tỏa ra một thông điệp đầy tình nhân ái. Hoa ấp úng:
- Tôi…tôi
chỉ cần rau, còn những thứ khác tôi xin nhường lại cho người khác.
Cô gái
cất tiếng cười hồn nhiên, có lẽ sau khẩu trang là đôi môi đẹp:
- Dạ! Chị
cứ nhận vì tụi em đã chia đều rồi. Tất cả là của nhiều mạnh thường quân đóng
góp…
Có một
chút gì làm Hoa chột dạ, nàng chưa kịp cám ơn thì cô gái đã quày quả quay đi
làm tiếp công việc của mình. Hiển đứng sau lưng vợ, quan sát vẻ mặt của nàng
anh hiểu Hoa nghĩ gì. Im lặng một lúc nàng nói:
- Anh à,
em hiểu ra rồi. May mà cuộc sống này, giữa khó khăn này có nhiều người biết
sống vì người khác. Chúng ta may mắn hơn là có điều kiện để không lâm vào cảnh
thiếu đói, nhưng ngoài kia có biết bao nhiêu người khó khăn, ngay cạnh nhà mình
cũng có vậy mà với một góc lương thực, thực phẩm dự trữ quá nhiều kia mình lại không
san xẻ cho ai…
Hiển ôm
lấy người vừa thốt ra câu nói khiến anh xúc động quá chừng:
- Anh rất
mừng vì em đã hiểu ra điều đó, anh cũng sẽ vui hơn nếu em bớt ra một ít hàng dự
trữ để cho vài hàng xóm đang gặp khó khăn của mình. Và nếu anh… “xin” vợ cho anh ra ngoài tham gia
vào các đoàn thiện nguyện, vợ có còn đòi ly dị anh không?
Hiền
nhoẻn miệng cười:
-…Với
điều kiện anh phải cẩn thận tuân thủ mọi biện pháp phòng ngừa. Đi nửa ngày, ở
nhà với em nửa ngày… Đừng đi lâu em n..hơ… nhớ!
Đơn Phương Thạch Thảo.