x 72.
Tùy bút.
Dran Trong Hoài Niệm
Hồ Thụy
Mỹ Hạnh
Dran xưa đã bị đẩy lùi vào
trí nhớ của những ai còn hoài niệm. Tôi là người đã ôm giữ những gì người Dran
đi xa và bỏ lại. Và thiết tha nhớ như mọi thứ đều khắc sâu trong lòng.
Ghi lại vài nét từ trong
trí nhớ về Dran ngày tôi còn trẻ. Ngoài những đường trong các xóm, thì Dran chỉ
có vài con đường được đặt tên. Đường Trần Lưu Dzư (Nay là Lê Lợi) là tuyến đường
chính của thị trấn nên không ngớt xe từ Sài Gòn ra, Đà lạt xuống. Từ Nha Trang,
Phan Rang lên. Từ đèo Dran xuôi xuống, thì
Hội Đồng Xã và Phân Chi Khu của xã Lạc Nghiệp là đầu đường Trần Lưu Dzư hiện ra
với hai dãy nhà không bề thế nhưng tất cả là quán, tiệm với đầy đủ các thứ phục
vụ cho nhu cầu đời sống cho dân địa phương và cho các thôn, xã lân cận. Sông
Dran là điểm cuối con đường Trần Lưu Dzư. (Rồi tiếp nối theo quốc lộ 20 xuôi xuống đèo Ngoạn
Mục…)
Rẽ vào đường Nguyễn Công
Trứ (Nay là đường Nguyễn Trãi) ngay đầu đường có giếng nước cung cấp nước gần
như cho toàn thị trấn, ở đó không bao giờ vắng người với chiếc gầu thả xuống rồi
múc lên dòng nước mát ngọt, họ đổ vào
đôi thùng thiếc gánh đi về các ngả. Đường Nguyễn Công Trứ về đêm là điểm đến
của nhiều người vì có rạp chiếu bóng Cộng Hòa, những bộ phim luôn hấp dẫn bọn
trẻ chúng tôi được chiếu trên màn ảnh rộng. Thỉnh thoảng có đoàn cải lương đến
hợp đồng diễn vài đêm. Các nghệ sĩ nổi tiếng thời đó đều đã đến Dran và có mặt
trên sân khấu của rạp Cộng Hòa. Đường Nguyễn Công Trứ có vẻ sầm uất hơn đường
Trần Lưu Dzư vì cũng có nhiều tiệm quán và chợ Lạc Nghiệp lại ở đây. Cũng con
đường Nguyễn Công Trứ về khuya, khi sự náo nhiệt đã lắng xuống, thì những bước
chân hoang của ai đó lại thích lang thang để nghe những cành khuynh diệp lao
xao thì thầm trong gió đêm. Ngọn đèn đường vàng võ không đủ soi nỗi buồn hay
niềm vui còn in dấu lại trên đường vắng.
Và đường Hai bà Trưng
thường yên tĩnh nhưng luôn đón bước dạo chơi của bầy thiếu nữ. Ở sân nhà ai đó
có trồng Dạ Lý Hương tỏa mùi thơm ngát mà sau mấy mươi năm vẫn còn đi vào thơ
tôi:
Trong đêm khuya thanh vắng
Hoa âm thầm tỏa hương
Những chùm hoa nở trắng
Khiến lòng ai vấn vương.
Dran ngày tôi trẻ, tôi biết
có nhiều chị mà khi nhắc đến chữ giai nhân thì được điểm tên. Còn có nhiều chàng
trai hào hoa cùng các thiếu nữ thanh lịch nữa, giờ đây nhiều người đã xa xứ
hoặc còn ở lại quê nhà thì cũng ngoài lục tuần. Có ai nhớ Dran ngày ấy? Lên đèo
Dran nhìn xuống thung lũng, thị trấn của tôi hiền hòa, thơ mộng dưới sương mù
ban mai và sau những tán thông. Hồ Danhim xanh biếc một góc trời đẹp như một
bức tranh mà thiên nhiên đã vẽ tặng cho Dran.
ooo
Nhà của tôi. Một căn nhà cũ
xưa lỗi thời so với sự hiện đại ngày nay, nên có lẽ hợp hơn nếu tọa lạc ở ngoại
ô. Tôi thích sự yên tĩnh của miền quê, nhưng tôi lại hiện hữu ở nơi gọi là phố.
Nhưng dù sống ở một nơi nào thì với cánh cửa thường xuyên khép tôi đều cảm nhận
sự tĩnh lặng như nhau. Đã nhiều năm ẩn mình giữa chốn đông người. Thế giới của
tôi chìm trong phôi phai. Hàng ngày lo sắp xếp mớ chữ trong đầu ra trang giấy, chỉ
có chỗ ngồi là quen thuộc. Chỉ có chồng bản thảo với nhiều nội dung chưa được
kết thúc là quen thuộc. Tôi mặc kệ thời gian trôi đi, để rồi có lần bước ra
ngoài khung cửa khép, tôi thảng thốt như Từ Thức từ thiên thai trở về thấy mọi
cảnh cũ đã đổi thay không còn một dấu tích xưa nào. Dran không còn dấu vết gì
của ngày tôi trẻ, vì phải nhường chỗ cho sự phát triển trong thời đại mới với
nhà cao, phố rộng như các thành thị khác. Dran bây giờ nhiều đường được mở, mọi
căn nhà trong xóm nhỏ đều thành “mặt tiền” vì có đường nhựa trước nhà. Vui với
sự vươn mình của thị trấn nhưng lòng tôi bâng khuâng, hối tiếc như người tình
bội bạc từ xa trở về, tìm dấu tích yêu thương mà khi có trong tầm tay đã không
bao giờ biết ghi nhớ, để rồi khi muốn tìm thì đã bị khuất lấp bởi thời gian.
Nên bây giờ giữa khoảng lặng vô cùng tôi muốn ôm Dran xưa vào lòng, hỏi rằng con
hẻm nhỏ dưới mái hiên của dãy nhà người Hoa trong xưởng cưa còn không? Nơi mà
ngày trẻ tôi thường có những buổi chiều cùng bạn bè xin đi nhờ để ra bờ sông
“chơi” với cây Cầu Sắt xe lửa (Khi ấy đã vắng những chuyến tàu…) mà tôi ví đẹp
như Cầu Tràng Tiền!
Không phải ai cũng mang
trong lòng sự hoài niệm về những dấu tích xưa. Người ta sẽ khó tiến về phía
trước khi cứ ngoái nhìn lại phía sau. Thế nhưng sự nhớ tiếc khiến tôi cứ phân
vân giữa trước mặt và sau lưng nên phải đứng ở điểm dừng lại mà hoài niệm quắt
quay.
Rồi tôi cũng phải tiến về phía trước dù chậm, để
không bị bỏ lại giữa hành trình cuộc sống. Để không bị đứng lại với vùng ký ức
đã phủ đầy rêu phong với những mảng màu sẫm tối rời rạc, mà ký ức như một xâu
chuổi bị đứt tung vương vãi cùng khắp trong tâm hồn khó lòng kết nối lại nguyên
vẹn như vốn dĩ của nó, nhưng sẽ không bao giờ mất đi trong trí nhớ của tôi.
Dran ơi…
Hồ Thụy Mỹ Hạnh
Lô Cốt của Chi khu Dran (Xưa)
Dran Trong Hoài Niệm
Hồ Thụy
Mỹ Hạnh (Đọc)
https://youtu.be/2gag9CmBKXo?si=cLhvlJsIGvq5Gxj0