Thứ Hai, 20 tháng 2, 2023

Hẹn Mùa Xuân Khác (Truyện ngắn).


x 78.

Truyện ngắn.
     Hẹn Mùa Xuân Khác
   
Hồ Thụy Mỹ Hạnh
    Xóm nhà trọ của chúng tôi chợt rộn ràng, khi chị Phượng là con gái của thím chủ khu nhà trọ  trở về sau thời gian ở nước ngoài. Do gia đình chị có người thân ở Mỹ bảo lãnh chị sang đó du lịch, thật ra là làm việc để kiếm tiền. Chị đi rồi về, về lại đi, rồi lại về. Cũng nhờ chị gởi tiền về nên ba má chị có điều kiện xây vài căn nhà trọ, còn nhà cũ của ba má chị cũng được xây lại khang trang, gia đình họ giã từ đồng ruộng để làm chủ nhà trọ. Công nhận nước tư bổn mau chóng cải tạo con người thành văn minh. Chị đã biến thành người…khác, từ cách ăn mặc cho đến ăn nói. Chị mở miệng ra là trộn lẫn ngôn ngữ tây, ta loạn xì ngầu. Trước khi chị đi “du lịch”, gia đình chị là giai cấp dưới trung bình, sau mấy năm được nâng  thành…sang chảnh!
    Lần này chị về lúc sắp tết. Những thứ cần thiết được chị mang về cho gia đình đầy đủ. Bánh kẹo thì khỏi nói, cứ như chị chuẩn bị mở sạp bán bánh kẹo. Má chị rất thân thiện với mọi người, nên trong khu nhà trọ ai cũng được nhận quà, người thì bịch kẹo, người thì hộp bánh, có người được chai dầu xanh có hình con Ó. Cứ thế nên ai cũng vui vẻ hóng nhìn và khen ngợi chị Phượng giỏi, còn là con có hiếu biết lo cho gia đình. Ở đời không phải người ta thích nhận của cho, nhưng khi được người khác quan tâm biếu tặng thì tự nhiên cũng hỡi lòng, hỡi dạ nên tôi mới nói xóm chợt rộn ràng là thế. Tôi là người thân thiết với má chị vì là dân trọ lâu nhất ở nhà của họ, nên hân hạnh được chị gọi sang nhà chơi. Khi được gọi, tôi chạy ào vào nhà, liền bị chị “chỉnh”:
   - Đi đứng như vậy không giống người sang, phải từ tốn…
   Tôi gãi đầu:
   - Em quen nên quên. À! Mà em nghèo mạt rệp, sang cái nỗi gì.
   - Sang, hèn là do mình. Có ai cấm mình tạo phong cách đâu.
   - Dạ!...
   Tôi chẳng biết tạo phong cách như chị nói để làm gì, vì dân lao động chân tay như tôi cần cơm áo hàng ngày hơn là hình thức. Cuộc sống không cho phép chúng tôi “vươn lên tầm cao mới”. Chị nói với người nhà chị:
   - Nhà ta tránh nói đến việc lo về cơm áo gạo tiền, chạy ăn. Vì những thứ đó nó làm cho mình bần tiện đi. Chỉ bàn đến giá vàng, đó lơ…
    Má chị nói:
   - Đó lơ là đỡ lo hả mậy? Ờ, có vàng đúng là đỡ lo thật. Nhưng nhà mình có vài chỉ vàng mà bàn giá cả làm chi.
   Chị Phượng giải thích:
   - Đó lơ là đô la đó ma my. Dù không có nhiều vàng, nhưng ai cấm mình nói? 
   Má chị chỉ “Ờ!”, có lẽ bà ngại tranh cãi với cô con gái trụ cột đã chịu khó đi làm kiếm tiền về cho gia đình. Từ xưa người ta đã biết đồng tiền giúp quyết định nhiều việc,  ngôi thứ còn có thể hoán đổi nữa, ở đây con bà chỉ nói về cách “lên đời” chứ nào có hỗn láo chi, nên thôi kệ nó nói gì nghe nấy cho xong. Còn tôi chẳng muốn nghe chuyện nhà họ mà cũng không dám rời đi, tôi biết họ quý tôi vì tôi…dễ sai, giờ nào tôi rảnh, sai vặt việc gì tôi cũng làm. Chị bảo tôi:
   - Phôn đến quán phở ó đơ cho chị một tô phở…
   - Em không biết quán phở Ó Đơ chỗ nào? (Tôi bối rối)
   Chị chép miệng:
   - Ó đơ là đặt sẵn, khổ quá…dốt ơi là dốt…
    - Dạ…tại em không biết tiếng Trung quốc!
    - Đây là tiếng ín lịt, chứ không phải tiếng Trung quốc!
    Tôi lại gãi đầu, nhăn nhó:
    - Dạ! Chị đừng nói tiếng ín lịt nữa, em hông hiểu lại làm sai ý chị.
    Tôi xách gầu mèn đi mua phở cho chị chứ không “ó đơ” gì cả. Tôi đến là khổ vì chị trộn ngôn ngữ hai nước lại với nhau như vậy. Mà cũng chẳng trách được, chị vừa du lịch từ nước ngoài về mà, phải khác với dân trong nước tụi tôi chứ. À! Mà tôi cũng từng thấy nhiều người từ nước ngoài về, họ định cư luôn và có quốc tịch ở nước sở tại, nhưng không nghe họ nói một tiếng nước ngoài nào, họ nói  tiếng Việt Nam từ đầu đến cuối, nhưng họ đọc chữ nước ngoài vèo vèo như gió! Còn chị Phượng, tôi không biết có đọc được như người ta không, nhưng chỉ nghe chị nói thôi, tôi đã thấy mình dốt quá rồi vì không hiểu. Tôi trách phận nhà tôi nghèo, ba má không cho tôi học đến nơi đến chốn nên thua kém người ta về mọi mặt. Tôi than với bác hàng xóm về cái dốt của tôi khi nghe chị Phượng nói tiếng ín lịt. Bác buộc miệng:
    - Hén trưởng giủa hạc lồm soang! Bừa đẹt chứ toàn núa tiếng bồi thôi. Hồi nớ giờ tau đâu nghe hén học hành cô, chữ nghĩa được mấy mủng, mà giờ toàn núa tiếng Mỹ. Qua nớ hén hạc đùa chớ chéc chi hén giỏi!
   - Nhưng con thấy chỉ biết cách ăn mặc rất đẹp…
   - Ờ! Thì cúa nớ tau không cữa! Đi nước ngùa về thái ưa cũng đệp roa…
   Chị gọi má chị là ma my, má chị không ưng bụng nhưng bà không phản đối. Còn nữa, bà có một đứa cháu gái xinh xắn đặt tên Lúa để hoài niệm về những ngày còn sống nhờ đồng ruộng. Chị Phượng bảo tên đó nhà quê, đổi gọi là Mi Seo (Michelle), má chị quên hoài nên cứ kêu con nhỏ là mì xào, mì xào làm nó khóc um lên.
    Cả nhà chả biết đường nào mà lần, vì không hiểu chị nói gì với cái kiểu đa ngôn ngữ như thế. Còn tôi thì chị nhờ một đàng tôi làm một nẻo!
OoO
    Tiếng lành đồn xa! Nghe chị chịu khó, biết lo cho gia đình, biết hy sinh tuổi trẻ để tha phương…kiếm tiền! Giờ xong nhiệm vụ thì tuổi cũng hơi hơi lỡ cỡ. Nhưng nhìn chung ở một thị trấn nhỏ này thì cũng ít người được như chị, nên có người muốn mối mai cho chị Phượng vì thấy chị cũng quá tuổi để hẹn hò do cứ đi nước ngoài làm việc! Còn chị cũng muốn kiếm một bến bờ để dừng lại nên đồng ý. Chị định bụng gặp đối tượng mà hợp ý là “triển khai” tình cảm ngay. Chị nói chỉ cần người đó hơn chị một điểm nào đó là được, chị không đặt điều kiện cao vì ở tuổi của chị mấy ai còn độc thân. Trong khi đã đến lúc chị cần tạo dựng cuộc sống riêng cho mình rồi.
     - Sân nhà mình rộng, quít ken này mình tổ chức bạc bê kiu (Barbecue) nhân thể mời mấy người quen đến ăn tiệc tất niên, cũng là gặp “người đó” cho tự nhiên hơn. 
     Rồi ngày đãi tiệc cũng đến. Tôi được nhờ đến để phụ dọn dẹp, chị tự tay trang trí trong ngoài, rất thẩm mỹ. Nói là tiệc tất niên nhưng ai cũng hiểu đây là tiệc tạo cơ hội cho “đôi trẻ” gặp nhau. Chị Phượng biết làm đẹp cho mình nên nhìn chị rất thu hút. Còn anh kia nghe gọi tên là Hoàng, cứ y như trời sắp đặt nên tên họ mà ghép lại thì thành tên một loài chim tượng trưng cho vương quyền và hưng thịnh. Tôi nói với chị Phượng như vậy làm chị thích chí cười hoài. Tôi cũng vui lây nên cứ xớ rớ bên chị. Còn chị thì hết người này hỏi, đến người khác xin ý kiến làm rối um lên. Chị nói:
    - Ai em sô lấy di! 
    Tôi đang đứng gần chị nên ngạc nhiên hỏi:
    - Dạ xô cái gì, lấy cái gì?
    Chị trợn mắt nhìn tôi:
    - Chị nói chị rất bận! Chứ xô xô cái gì…
    Anh Hoàng thấy tôi đứng thộn ra bèn nhỏ nhẹ nói:
    - Cô Phượng muốn nói là busy nhưng nhầm là lazy đó?
    Chị Phượng giật mình như nhớ ra, mặt hơi ửng lên. Anh Hoàng cười, chửa thẹn cho chị:
     - Ồ! Nhầm là chuyện thường mà. Chữ Việt mà ít nhắc tới đôi khi còn nhầm huống chi tiếng nước ngoài…
    Chị Phượng bối rối không nói gì, chỉ “Dạ” nhỏ trong miệng. Anh Hoàng tiếp:
    - Tôi cũng rất thích học tiếng Anh, nay gặp cô Phượng am hiểu thì hy vọng được học hỏi. Nhưng tôi có ý kiến thế này, ở đây mình nói tiếng Việt cho dễ hiểu nhé.
    Chị Phượng lại “Dạ” với vẻ ngượng ngùng. Tôi lủi đi chỗ khác cho hai người nói chuyện. Tôi có cảm giác rằng, anh Hoàng hơn chị Phượng điểm gì đó, khiến chị không còn cái vẻ của một người rất hiểu biết nữa, như vậy coi như anh đủ “tiêu chuẩn” chị đặt ra. Tôi nghĩ: “Vậy là duyên của chị đã đến rồi…”
    Tiệc có vui mấy rồi cũng phải tàn. Niềm vui của chị Phượng không ngờ cũng tàn theo tiệc, khi anh Hoàng về mà không để lại “tín hiệu” gì. Sau đó mấy ngày chị tìm tôi để “tâm sự loài chim Phượng”. Chị kể những ngày chị ở Mỹ, chị được thuê chăm sóc người già, rồi lại giữ trẻ con, có bao nhiêu tiền dành dụm đều đem về để gia đình thoát nghèo. Ở đó chị gần như ru rú trong nhà, nghe người ta nói, chị bắt chước nói theo chứ thật sự không rành. Chị đâu có thời gian để nâng cao kiến thức như mọi người, nhưng trở về chị nghĩ dù sao cũng mang tiếng là người về từ Mỹ, không biết nói tiếng Mỹ sợ bị…khi dễ! Đó là lý do khiến chị tỏ ra như thế. Nhưng anh Hoàng nói rằng “Tiền, vật chất làm cho người ta đẹp và sang trọng lên thôi. Còn giá trị, nhân cách thì tiền không tạo ra được, mà phải do cách sống. Cũng như muốn được người khác tôn trọng, thì phải cư xử có giáo dục, không phải do nói được nhiều thứ tiếng, hay mặc nhiều quần áo đẹp …”. Chị nói đứng trước anh Hoàng, sự hiểu biết của chị không là gì cả. Dù anh không tỏ ra là người có kiến thức, nhưng những gì anh thể hiện thì chị nhận thấy anh là một người  chính chắn, đáng tin cậy. Giờ nhớ lại chị thấy hổ thẹn vì đã để lộ sự học đòi không đúng cách trước mặt anh Hoàng. Điều gì làm chị suy nghĩ như vậy? Chính tiếng sét ái tình đánh trúng nên chị thay đổi, tôi đoán thế. Tôi nói “Em thấy ảnh có vẻ thích chị, ảnh cứ nhìn chị với ánh mắt…trìu mến!”. Chị Phượng lắc đầu “Không đâu! Từ hôm đó đến nay anh không cho chị cái hẹn nào…”. Tôi nghĩ tình yêu đến quá vội vàng, dễ dãi thường chỉ xảy ra với người nông nổi, còn anh chị đã ở vào cái tuổi chín nhừ rồi, có thể anh đang cân nhắc rồi sẽ từ từ tiến tới chậm mà chắc. Chị cần gặp lại anh, để anh thấy sự tiến bộ của chị, còn chị thì hãy kiên nhẫn chờ đợi, tôi nói với chị như vậy. Chị Phượng chỉ cười buồn “Có lẽ chị sẽ làm như thế!..”
    Mùa Xuân của đất trời đã ghé cửa từng nhà. Còn mùa Xuân trong cuộc đời chị Phượng tôi nghĩ cũng sẽ đến, nhưng không phải bây giờ…
   Hồ Thụy Mỹ Hạnh 

 

Mùa Thu trong trong mưa

Nhạc: Trường Sa

https://youtu.be/Dors93ThW7U?si=K9Q8tEt3BKNizxbc

 



Con Đường Xưa

 

x287-

Con Đường Xưa

Để làm đẹp thành phố

Người ta chặt tất cả những bụi Cúc Quỳ

Quanh những con đường tôi vẫn hay đến đó.

Con dốc như ngủ yên trong chiều lộng gió

Những bông Quỳ vàng hiu hắt, vừa kiêu sa…

Làm chùn chân người khi chợt ngang qua

Làm ai lang thang đường dài không mỏi.

 

Những hàng đèn xua tan bóng tối

Những loài hoa muôn màu đã được trồng lên

Tôi đi giữa đêm mông mênh

Rực sáng trên cao hàng đèn cao áp

Lòng tự hỏi nhưng không tìm ra lời đáp

Có ai nhớ nơi đây đã từng là thung lũng hoa vàng…

 

Con đường sau khi khai quang

Vần thơ tôi trở nên lạc lõng

Nhớ quá vầng trăng khuya soi bóng

Giờ tìm đâu khi phố rực  ánh đèn

Và nhớ  nơi này có một người rất quen!...

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

*Văn nghệ Trẻ Số 38 (19.9.1999)

Niệm khúc hoa vàng

(Nhạc: Hà Thúc Sinh)

https://youtu.be/CJqBBPDrJOo?si=x_q1VSOC6fx3uF1X


ĐÀ LẠT BÂY GIỜ

 

x285.

ĐÀ  LẠT  BÂY  GIỜ?

Hôm em đi Đà Lạt có còn mưa

Làm cho trời mùa Xuân đẫm ướt

Cho ai về thẩn thờ đếm bước

Bơ vơ trong cơn mơ tình đầu.

 

Khi em đi rồi có ai vắng nhau

Thành phố lại một đêm mất ngủ

Chuyến xe đưa em trở về chốn cũ

Mang trong hồn ánh mắt ai bâng khuâng.

 

Hôm em đi Đà Lạt đang mùa Xuân

Mà mưa đã vội về giăng khắp lối

Xoá nhoà trong em điều chưa nói

Một con đường mà bao nỗi chia xa.

 

Xin cho em gởi lại thành phố hoa

Chút thầm kín từ trái tim khắc khoải

Hàng thông im như là đang giận dỗi

Như đang buồn cho một cuộc từ ly

Đà Lạt ra sao? Sau hôm em đi…

(Đà Lạt Chúa nhật 7.3.1999)

Hồ  Thụy  Mỹ  Hạnh

Ngoại ô buồn

Anh Bằng

https://youtu.be/FQmKFzOxfj0?si=RiiPXItykg4VcJ6T


Gởi Lại Cho Người

 

x285-

Gi Li Cho Người

Ngủ yên đi hàng cây

Đừng rung lên xào xạc

Gió mơn man nơi này

Dấu yêu trời Đà Lạt.

 

Vẫn con đường ngày đó

Người đan tay mùa Xuân

Bóng chiều phai trước ngõ

Ai thấy lòng bâng khuâng.

 

Đường vắng nào em qua

Ngỡ ngàng bao kỷ niệm

Bây giờ ta cách xa

Trời như giăng mây tím.

 

Ngủ yên đi tình ơi!

Nhớ thương rồi quên lãng

Em gởi lại cho người

Trái tim vừa nứt rạn!

Hồ Thụy Mỹ Hạnh


Người đầu gió

Nhạc: Hàn Châu

https://youtu.be/1uIpM7mwSoY?si=gWGqR5JyEdhfWuj5

 


Khi Đời Không Có Anh

 

x283-

Khi Đời Không Có Anh

Gió vẫn cứ lang thang

Mặc bốn mùa thay đổi

Lá rụng nhiều trên lối

Làm vàng hơn nắng chiều

 

Hoàng hôn về hắt hiu

Câu thơ tình chắp vá

Bỗng nhiên thành người lạ

Sau một lần chia tay

 

Vẫn còn mãi nơi này

Khúc ru buồn của gió

Nắng tàn rơi trước ngõ

Nghiêng bóng chiều mong manh

 

Khi đời không có anh

Buồn nào hơn buồn thế

Có một điều khó thể

Là điều lãng quên anh.

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

Mười năm yêu em

Trầm Tử Thiêng

https://youtu.be/s6VYBtwrglk?si=5rx-t6BwvbOI8pLy



 

Không là cơn gió


x282-

Không là cơn gió

Có anh em mới biết

Thế nào là bắt đầu

Từ trái tim tha thiết

Của những người yêu nhau.

 

Mỗi lần đợi chờ anh

Em buồn hơn một chút

Mùa Xuân cũng qua nhanh

Chắc chiu từng giây phút.

 

Anh không là cơn gió

Sao hờ hững vô tình

Lãng quên và chối bỏ

Những ngày của riêng mình.

 

Rồi thời gian sẽ qua

Chỉ em là ở lại

Anh thì mịt mờ xa

Cõi em về trống trải.

 

Xa anh em mới biết

Buồn từng sợi nắng chiều

Mùa Xuân không ý nghĩa

Chỉ là niềm cô liêu…

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

Khuya nay anh đi rồi

Nhạc: Châu Kỳ

https://youtu.be/j4tWd9072iQ?si=yCFSg0EwsAdRv6uv


Tự KHÚC


x281

T  KHÚC

Có một chiều như thế

Mong manh vệt nắng tàn

Vầng trăng non lạnh lẽo

Đến sớm treo trên ngàn

 

Có một người như thế

Vô tình như gió hoang

Ra đi không hề biết

Lá rơi đầy lối mòn

 

Có một mùa như thế

Mang mưa giăng đầy trời

Những hàng cây lặng lẽ

Buông lá vàng chơi vơi

 

Có mình tôi như thế

Ươm mộng đầy trang thơ

Nghe bâng khuâng nỗi nhớ

Một người trong giấc mơ…

 

Tất cả là như thế

Chiều ơi! Đừng vội vàng

Người ơi! Đừng hờ hững

Tôi ơi! Đừng đa đoan…

Hồ Thụy  Mỹ  Hạnh

Nửa hồn thương đau

Nhạc: Phạm Đình Chương

https://youtu.be/2XHw9xZSv6g?si=FEMlIcS8d-evkXZ-

 


Đi sau bóng mình /Truyện ngắn

  R x76 Truyện ngắn Đi sau bóng mình Đơn Phương Thạch Thảo Bình dừng xe ngang trước cửa nhà Duyên để tiện dòm chừng trộm, cẩn thận k...