x 7.
Truyện ngắn
Chị Khanh
Hồ Thụy Mỹ Hạnh
Vừa bước vào nhà, cô bé đã nhảy chân thấp, chân cao, vừa hát:
- Tình tính tinh...là lá la…
Mũi cô hếch lên hít lấy hít để mùi thức ăn từ bếp xông lên:
- Chị Khanh ơi! Hôm nay chị cho ăn món gì mà thơm thế?
Cô thò đầu nhìn qua cửa bếp, mẹ cô kêu lên:
- Đi học về rồi thì xuống phụ mẹ dọn cơm.
Cô bé thông báo:
- Bao tử con phát tín hiệu S.O.S rồi mẹ ơi!
- Thì lẹ lên.
Thoắt cái cô bé đã ngồi vào bàn và thoắt cái cô buông đũa đứng lên.
Chị Khanh phàn nàn:
- Diễm lớn rồi mà không ý tứ, duyên dáng chi cả, ngày xưa học đệ tam là lớp mười của Diễm bây giờ, chị đã chững chạc, nghiêm chỉnh lắm rồi, có người còn bị gả chồng nữa là khác.
Cô bé đưa một ngón tay lên mũi dọa chị:
- Chị đầu độc em nhé, em mà yểu điệu thục nữ là có “vướng đề” liền. Lúc đó chị lại mắng em...ranh!
Mẹ cô bé thêm vào:
- Chị Khanh bằng Diễm, đi học một buổi, về nhà phụ bán hàng với mẹ một buổi, không được như con, suốt ngày cứ ca hát rồi lại xem phim . . .
- Chị Khanh giỏi vậy sao đến giờ vẫn…phải sống độc thân không...vui tính vậy mẹ? (cô bé có ý ngạo chị…ế chồng!)
Chị Khanh lườm cô:
- Nói giống điên quá!
- Hí...hí...để em kể chuyện điên cho nghe, có hai ông điên suốt ngày đánh nhau, một ông bảo mình là Gia Cát Lượng, một ông bảo mình là Chu Du, bỗng hôm sau hai ông ôm nhau tâm sự rù rì, hỏi ra mới biết, tên Chu Du đã nhớ ra mình là...Tiểu Kiều!
Chị Khanh nghiêm mặt không cười:
- Chị cấm Diễm không được xem phim nữa đấy, bị nhiễm toàn chuyện tào lao, lo học cho giỏi đi, suốt ngày cứ ca hát rồi lại xem phim. Hồi xưa. . .
- Thưa mẹ con đi ngủ...trưa!
Cô bé ù chạy vì sợ nghe tiếp chuyện “hồi xưa” của chị Khanh. Cô bé đã nghe nhiều đến thuộc lòng. Chị Khanh đã gần năm mươi tuổi, cách đây...non ba mươi năm, chị cũng là một nữ sinh duyên dáng “tài sắc vẹn toàn” không hiểu sao mãi đến giờ chị vẫn cứ độc thân, không chịu lập gia đình (không chịu hoặc không có ai ghé mắt đến?...cũng vậy!) trong khi các anh chị kế của cô bé đã lần lượt lên xe hoa, yên bề gia thất.
Chị suốt ngày tất bật ngoài chợ, cô bé nghĩ chị Khanh của cô cũng còn xinh đẹp vậy mà...ế nhỉ?
Sáng bửng mắt cô bé mới chịu xuống giường, vừa tìm dép cô vừa cất giọng:
- Thắp sáng vào tôi một tháng giêng, khẽ khàng từng bước thật ngoan hiền, xuân đem tất cả niềm vui lại...la lá la là la lá la...
Bài hát bị quên giữa chừng cô bèn chuyển sang bài khác:
- Xe đạp ơi đã qua rồi còn đâu, mối tình xanh thoáng như một giấc mơ xe đạp ơi! (cô ngập ngừng) xe đạp ơi gì nhỉ...
Tiếng chị Khanh…can thiệp:
- Trời ơi! Hát kiểu đó nhạc sĩ mà nghe được chắc họ sẽ ngã ra bất tỉnh quá, lo đi học giùm cho.
- Lại chị...(cô bé lẩm bẩm) một bà già khó tính, cầu trời ai rước chị đi cho rồi.
Cô bé hấp tấp thay áo dài, hấp tấp uống nhanh ly sữa chị Khanh đã pha sẵn rồi bốc một nắm xôi để phần sẵn cho vào miệng và hấp tấp dắt xe ra cửa đạp thẳng.
Đời sống của cô bé không có gì đáng than phiền, cô là em gái út, cô nghĩ mình được cưng chìu cũng là lẽ tự nhiên.
Chị Khanh lo cho cô không thiếu thứ gì, cô chỉ bực một nỗi là chị hay than phiền cô bé ham chơi hơn ham học. Ôi chao! Cái điệp khúc ấy trỗi lên là cô ớn đến tận cổ nên chui tọt vào giường nghe . . .nhạc rồi ngủ quên luôn.
Một đêm, cô bé thức giấc vào giữa khuya và nghe được câu chuyện:
- Các em bây giờ đều đã tự lo được, con nên lập gia đình để sau này có nơi nương tựa. Lỡ có nhắm mắt mẹ mới yên lòng.
Tiếng chị Khanh sụt sịt :
- Khi xưa còn trẻ không tính chuyện ấy thì thôi, giờ con đã lớn tuổi rồi, mẹ thì vẫn bệnh luôn như thế, con làm sao bỏ đi cho được. Con chẳng còn mong gì cho con cả, chỉ cần Diễm học hành chăm chỉ, nên người thì con mới thấy xong trách nhiệm của mình...
Câu chuyện của hai người bắt đầu từ bao giờ cô không rõ, chỉ nghe chừng ấy thì mọi thắc mắc từ lâu của cô đã được sáng tỏ. Hy sinh! Vâng, không có từ nào thích hợp trong trường hợp của chị Khanh, chị đã hy sinh tuổi trẻ của chị cho các em của mình mà cô bé đã vô tình không biết.
Bây giờ thì cô hiểu, chị Khanh đã để trôi qua bao nhiêu hình ảnh đẹp đã trở thành kỷ niệm trong đời chị, trong những câu chuyện thường bắt đầu bằng hai chữ “ngày xưa” đầy nuối tiếc (mà cô bé đã từng rất…sợ nghe), khi ấy hẳn trong lòng chị có những hoài niệm mà không hề biết chia sẻ cùng ai, nên chị đành cam chịu, ôm giữ niềm riêng đó một mình, chị buộc phải chọn cuộc sống đơn độc để lo cho gia đình vì đối với chị đã không có cách nào khác.
Một cái gì đó thương cảm, xót xa dấy lên trong lòng cô bé và nước mắt chảy dài ra khóe. Cô nằm im úp mặt vào gối, lòng nhủ thầm “Rồi em sẽ cố gắng học giỏi, làm theo những mong muốn của chị, để chị không phải bận tâm vì em nữa, chị Khanh ơi!”
Sáng bước xuống giường cô bé vội vã dọn chăn màn, loay hoay quét nhà và trước khi ra cửa cô bé dặn chị:
- Trưa đi học về em sẽ ghé hàng lấy thức ăn, chị khỏi phải về. . .
Chị Khanh nhướng mắt nhìn cô bé, vẻ ngạc nhiên:
- Nhưng Diễm không biết nấu thức ăn?
- Em sẽ nhờ mẹ dạy cho, chị sẽ thấy em giỏi…bất ngờ, em đi nha…là...lá...la..
Cô bé đi khuất rồi, chị Khanh còn tần ngần nhìn theo, chị không hiểu Diễm nói thật hay đùa. Tự nhiên cô bé lạ hẳn. Chị không hiểu Diễm như trước đây cô bé không hề hiểu chị, tư tưởng hai người đang chơi trò...cút bắt!
(Tháng 9.1991)
Hồ Thụy Mỹ Hạnh
Tình buồn
Nhạc: Chương Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét