x
15.
Truyện ngắn
Lặng Lẽ
Hồ Thụy
Mỹ Hạnh
Tôi bước xuống những bậc thềm đắp bằng đá lởm chởm dẫn vào nhà
Thu Sương, con đường đất trơn trợt vì mấy ngày mưa liên tiếp. Căn nhà ván đơn
sơ của Thu Sương nằm sau hàng rào dâm bụt được cắt xén thẳng góc bao bọc cả
mảnh sân con. Cây Mimosa cao to trồng ở góc sân xoè những cành lá bạc còn đọng
những giọt mưa. Tôi đứng tần ngần trước ngõ chưa vội vào thì người trong nhà đã
nhìn thấy tôi. Tôi nhận ra ngay Tường, anh trai của thu Sương vừa trong nhà
bước ra cửa, một chút ngỡ ngàng, anh reo lên:
- Ngọc! Lâu quá mới gặp em.
Tôi tươi cười chào anh:
- Em mới về hôm qua là đến đây liền, Thu Sương có nhà không anh?
-Nó đi giao hàng, chắc cũng sắp về. Ngọc vào nhà đi, có má anh ở
trong…
Tôi theo bước anh vào nhà. Căn phòng khách bày biện đơn sơ trang
nhã, bộ ghế mây tre kê ở góc phòng, với bình hoa đẹp trên bàn, bên cạnh là một
cái kệ đầy ắp sách, trên vách những bức tranh sơn dầu vẽ tĩnh vật, có một bức
là cảnh hoàng hôn trên mặt biển im lìm, xanh xám, mảnh trăng tròn đục mờ lấp ló
sau hàng dương, những dấu chân của một người còn in dọc dài trên bờ cát. Tôi
chỉ tay vào bức tranh buộc miệng:
-Bức tranh này gây cho mình cảm giác lạnh lẽo và cô quạnh quá
(Quay sang Tường, tôi hỏi) anh vẫn còn vẽ tranh chứ?
Tường gật đầu:
-Đó là công việc không thể thiếu của anh, cũng là niềm vui duy
nhất.
Tường bỏ lửng câu nói, nụ cưòi gượng gạo cũng tắt trên môi anh.
Tôi liếc nhanh cánh tay trái của Tường với phần vải trống phất phơ, cánh tay đã
không còn để lướt trên dây đàn buông những nốt nhạc trầm bổng, đã đưa anh vào
cuộc sống gần giống như một tu sĩ. Trên khuôn còn rất trẻ so với tuổi của anh
phải chăng niềm u uẩn nào đó trong tâm hồn đã khiến cho anh luôn lộ vẻ trầm tư.
Anh là một người tài hoa, nếu không mang thương tích trên người
thì hẳn cuộc sống của anh đã khác, có thể anh sẽ tiến xa hơn nữa trong nghệ
thuật hội họa, đó là niềm đam mê của anh, chứ không phải chỉ với cái việc vẽ lặt
vặt những mặt hàng gỗ mỹ nghệ theo kiểu đặt sao làm vậy. Đứng trước anh tôi
chợt chạnh lòng:
- Làm sao mà Ngọc chợt ngẩn người ra vậy?
Tôi bối rối, ngượng ngùng vì thái độ của mình, tôi cười bẽn lẽn
nói tránh đi:
- Ngọc đang nghĩ mới đó mà đã bao nhiêu năm rồi, hồi ấy hầu như
hôm nào cũng có mặt em ở đây, từ khi ra trường không còn điều kiện để gặp
thường xuyên bạn bè, kỷ niệm của tụi Ngọc nhiều nhất là ở căn nhà này.
Tường hờ hững:
- Thế à?
Tôi không biết bắt chuyện làm sao trước vẻ lạnh lùng của Tường,
nên tìm cách lảng đi:
- Bác gái đâu? Để Ngọc chào bác…
Tường chỉ tay ra sau:
- Má anh ở sau bếp.
Tôi tự nhiên bước vội ra nhà sau, bà An mẹ của Thu Sương đang
loay hoay bên lò nướng bánh, tôi ôm choàng vai bà:
- Bác cho con làm phụ với…
Quay lại thấy tôi, bà kêu lên:
- Ái chà! Con gái, lâu lắm rồi đó nghe. Cháu ít về Đà Lạt lắm sao?
Bác cứ hỏi Thu Sương về cháu.
- Ra trường rồi thất nghiệp, không xin được việc đúng với cái đã
học, bây giờ con đang bán hàng cho một shop thời trang, mỹ phẩm của một người
bà con, công việc đòi hỏi phải túc trực nên không nghỉ được.
- Sương cũng bận rộn suốt ngày, đi dạy về lo việc trong nhà xong
lại vội đi bỏ mối bánh.
- Sao bác không cưới vợ cho
anh Tường để có người đỡ đần, giúp bác một tay?
Bà An thở dài:
- Nói đến việc đó nó gạt phắt,
thì làm sao bác cưới. Các em nó thì đã lập gia đình cả rồi, bác chỉ còn nỗi lo
về nó, sau này bác mất đi nó biết trông cậy vào đâu?
Tôi thắc mắc:
- Anh ấy không quen ai sao bác?
Bà An lắc đầu:
- Từ ngày ấy đến bây giờ…
Ngày ấy! Ý bà muốn nói đến cái ngày Tường bị thương trong trận
cuối cùng của cuộc binh biến, đó là ngày người yêu của Tường biết anh bị mất
một cánh tay, để rồi người ấy cũng quay lưng phụ rẫy mối tình mà hai người đã
hẹn đợi chờ nhau. Trầm ngâm một lúc bà nói:
- Có con nhỏ bạn hàng của mình hiền lành, giỏi giang, có vẻ mến nó
lắm, nhưng bảo nó không ưng.
- Lẽ nào bao nhiêu năm rồi mà anh Tường chưa quên được chị Thùy?
- Bác không biết có phải như vậy không? Nhưng xem chừng nó có vẻ
chán nản lắm.
Trò chuyện với bà một lúc, tôi quay lên phòng khách. Tường đã vào
phòng riêng, gọi là nơi chốn riêng của anh thì đúng hơn vì nó chỉ được ngăn lại
bằng một tấm phông. Tôi đứng nhìn từ bên ngoài, dưới nền gạch là những ống màu,
những cây cọ vẽ, giấy và dụng cụ ngổn ngang. Anh ngồi đó, đưa mắt im lặng nhìn
tôi, tôi cười hỏi:
-Cho Ngọc vào được không?
Tường cười gật đầu. Tôi bước vào ngồi bệt xuống nền nhà:
-Làm việc hoài như vậy anh có mệt không?
Tường lắc đầu:
-Anh chỉ thấy thời gian đi nhanh quá.
-Anh ít ra ngoài, cứ như vậy anh không thấy buồn sao?
Tường chăm chú nhìn vào khung hình bằng gỗ, chắc anh mới vẽ xong
bằng bút điện. Nét lạnh lùng trên khuôn mặt anh:
- Sự buồn chán không thể có khi người ta bằng lòng với cuộc sống
mà họ có. Anh cũng thế nên anh không cảm thấy buồn gì cả.
- Ngọc mà ở mãi trong nhà thì chắc là thấy tù túng lắm.
- Vì Ngọc bị bắt buộc ở trong nhà, đương nhiên phải khác với anh.
Tôi tìm cách gợi lại câu chuyện đã nói với mẹ anh:
- Lâu không gặp anh, Ngọc thấy anh không thay đổi…
Tường đưa bàn tay còn lại lên vuốt tóc:
- Không thay đổi ư? Đầu đã có nhiều sợi tóc bạc, mọi suy nghĩ trẻ
trung đã không còn ở trong cái đầu này nữa.
Tôi nói nhanh:
- Ngọc không nói đến điều ấy, Ngọc muốn nói về. . .
Tôi ngập ngừng, Tường nhướng mắt nhìn tôi:
- Ngọc muốn nói gì?
- Đừng cho là Ngọc tò mò nghe, tại sao anh không lập gia đình?
Tường bật cười, tôi nghe tiếng cười không vui. Im lặng một lúc
anh hỏi lại:
- Ngọc quan niệm lập gia đình là như thế nào?
Bị hỏi bất ngờ tôi ngớ ra một giây không biết trả lời sao, mà
thật lòng tôi cũng chưa nghĩ sâu về vấn đề này, Tường tiếp:
- Có phải là để sinh con đẻ cái, để nương tựa lúc tuổi già, hay để
đáp ứng cho cái tôi của mình, nếu lập gia đình vì những nhu cầu như thế thì quả
thật là anh không cần.
- Vậy theo anh thì phải như
thế nào? Ngọc cho rằng đó là một cái luật tự nhiên. Con người đến tuổi trưởng
thành thì tự họ tìm cho mình một người tâm đồng ý hợp, yêu thương nhau để cùng
xây dựng một mái ấm, tất nhiên con cái là hạnh phúc của một đôi vợ chồng…
- Ồ! Thật là đơn giản như
những điều Ngọc nói, tiếc thay thực tế ít có như lý thuyết mà con người mong
muốn. Trong suy nghĩ của riêng anh, vấn đề càng tế nhị hơn. Nếu anh nói đó phải
là một phụ nữ đôn hậu, hiểu biết, có đức tính hy sinh, phải chấp nhận cuộc sống
tật nguyền của anh như chấp nhận một số phận. Chà! Đòi hỏi hơi cao đấy. . .
- Em nghĩ không phải không có
một phụ nữ như thế.
Tường nhếch môi cười:
- Khi bắt đầu cuộc hành trình,
dù đã chuẩn bị tinh thần thì cũng khó ai trả lời được rằng trên con đường dài
không mấy bằng phẳng trước mắt sẽ không làm cho họ mỏi mệt, chán nản, nhất là
lại đi với một gánh nặng trên vai. Anh dù không phải là người hoàn toàn vô
dụng, nhưng đứng trước một hoàn cảnh khó khăn anh không đủ sức để giải quyết,
trong khi vai trò của một người đàn ông trong gia đình anh muốn mình phải chịu
trách nhiệm chính.
-Nếu người ấy hiểu rõ anh,
sẵn sàng chấp nhận tất cả để đến với anh, thì sự khó khăn nào đó mà anh luôn
nghĩ đến sẽ được chia ra để cùng nhau gánh vác, anh không thể giành những lo
toan cho riêng mình, người phụ nữ yêu anh được chia sẻ cùng anh có khi cũng là
hạnh phúc của họ.
-...Anh không nghĩ mình bệnh
tật như vậy thì vớ đại một người phụ nữ nào cũng được miễn họ đồng ý lấy anh, nếu vậy thà anh
cứ sống độc thân cũng chả làm sao. Chưa nói dù anh thế nào anh vẫn không bỏ ý
muốn người đó phải đủ điều kiện để anh ngưỡng mộ và hết lòng yêu thương, nhưng
nếu có gặp được một người như thế càng khiến anh nên tránh cho họ nỗi thất vọng mà họ sẽ gặp khi
chung sống trong thực tế với anh. Thứ hai anh không thể đặt lên vai người mình
yêu sự bất hạnh của anh, và để họ được hoàn toàn hạnh phúc, thì anh không nên
vì mình mà giam cuộc đời họ với một ông
chồng tật nguyền.
Tôi cảm thấy chạnh lòng vì
thấu hiểu mặc cảm của Tường:
- Có nghĩa là anh đã quyết
định như thế, anh sống giam mình với suy nghĩ một chiều mà không chịu nhìn xem
người thân của anh đang nghĩ gì (tôi muốn ám chỉ mẹ Tường). Anh có biết giết
chết ước vọng của đời mình cũng là một thứ tội lỗi! Anh nên bớt đi những suy
nghĩ bất công với bản thân anh, Ngọc thấy anh là một người có tài, nếu anh phát
triển hết tài năng đó thì . .
Tường cười vẻ chua chát, anh ngắt lời tôi:
- Nhìn Ngọc kìa, trông em mới
đầy vẻ băn khoăn như anh đang đứng trước một vấn đề cần lựa chọn và phải quyết
định ngay. Thôi cô bé ạ! Chớ có quan trọng về việc ấy làm gì, từ bao nhiêu năm
qua anh đã sống như vậy và bây giờ cũng thế. Anh không muốn thay đổi, nhất là
sự thay đổi đó có khi lại không tốt như anh đang sống bây giờ.
Tôi biết Tường không muốn
tiếp tục đề tài đó nữa, anh chìm vào sự trầm ngâm đột ngột, có thể anh đã dối
lòng, do chính mặc cảm thân phận đã làm anh chùn lại không chịu vươn tay chạm
vào ước vọng, không muốn vun xới cho cây đời anh nở hoa. Anh cứ để cho ngày
tháng trôi qua trong vô vị mà anh bảo là rất hài lòng, nhưng có ai lại hài lòng
với cuộc sống nghiệt ngã như vậy, trừ khi phải đành chấp nhận nó.
Tôi buộc miệng thở dài, Tường
nhìn tôi hỏi:
- Sao Ngọc lại thở dài? Ngọc
nghĩ thương hại anh phải không?
Tôi giật mình:
- Ồ! Xin anh đừng nghĩ như
vậy, hai từ anh vừa nhắc đến như một trái đắng được bao bọc bởi một thứ ngọt
ngào, rỗng tuếch, không có ý nghĩa gì. Làm sao Ngọc có thể dành cho anh một thứ
như thế. . .
- Thôi được, cứ cho là như vậy
đi. Nhưng Ngọc phải biết rằng anh có thể đọc thấy những ý nghĩ câm lặng trong
mắt Ngọc đấy.
Buổi chiều qua nhanh, không
đợi Thu Sương được nữa, tôi từ biệt ra về.
Trở lại Sài Gòn, tôi mang
theo những hình ảnh từ cao nguyên trong tâm hồn, trong đó có một phần dành cho
Tường. Mỗi lần gởi thư cho Thu Sương, tôi đều viết kèm cho Tường. Tôi khuyên
anh nên nghĩ đến một cuộc triển lãm tranh, nên sống hoà nhập với mọi người một
cách lạc quan hơn, nhưng những cánh thư gởi đi tôi chưa bao giờ nhận được một
lời đáp lại từ phía Tường. Tôi chắc rằng anh không hài lòng khi tôi cứ hay nói
đến những điều anh không muốn thực hiện nên anh không trả lời quan điểm của anh
với tôi, cũng có thể anh không muốn tôi xen vào cuộc sống nội tâm của anh.
Tôi không quên anh, nhưng tôi
cũng phải gác suy nghĩ về anh sang một bên, không viết thư cho anh nữa.
O0O
Một lần nữa tôi trở về thăm
Đà Lạt. Thành phố vào những ngày đầu xuân chỉ khác hơn là hàng trăm chiếc xe đủ
các loại từ các nơi đến du lịch. Chỉ khác phố xá đầy màu sắc và đủ loại quần áo
thời trang do những người khách phương xa mang đến, cái rộn rịp mang tính nhất
thời.
Tôi đến thăm gia đình Thu
Sương, điều không thể thiếu sót khi tôi có dịp về Đà Lạt. Mẹ của Thu Sương bao
giờ cũng vui khi gặp tôi, bà cũng có dịp chia sẻ niềm vui của mình:
- Năm nay cháu sẽ nhận được
tin vui của Sương.
Tôi reo lên:
- Thật thế ư? Sao mày bí mật
vậy Sương?
Thu Sương e lệ nguýt yêu mẹ:
- Chưa có gì mà mẹ cứ nói
chuyện ấy suốt ngày.
Tôi nói:
- Vậy mới biết bác mong con
gái yên bề gia thất đến thế nào, hạnh phúc của những bà mẹ là như thế mà.
Bà An gật gù:
- Cháu nói đúng đó, bác chỉ
còn một mối lo nữa là thằng Tường.
Nghe nhắc đến anh, tôi vội
hỏi:
- Anh Tường sao rồi Sương? Anh
ấy đâu rồi?
Thu Sương hớn hở báo tin:
- Tao chưa nói cho mày biết là
vừa rồi anh Tường đã có một cuộc triển lãm tranh. Anh ấy cũng có nhiều thay đổi
lắm, hôm nay lại chịu vào Sài Gòn để gặp một người bạn, vì người này có ý giúp
đỡ anh Tường mở phòng triển lãm trong đó...
Tôi vui lây:
- Thật vậy ư? Có điều gì đã
xảy ra?
- Không có gì cả, đơn giản chỉ
là công việc thôi.
Thu Sương chỉ những bức tranh
xếp trong một góc phòng. Xem qua vài tấm, tôi không rành về hội họa nên không
thấy hết cái đặc biệt của nó, chỉ biết đó là những bức tranh đẹp, được chắt lọc
từ vốn kiến thức mà Tường đã học từ trường mỹ thuật trước khi anh vào binh
nghiệp.
Thu Sương kéo tay tôi vào sau
bức vách chắn giữa phòng, có duy nhất một bức tranh ở đó:
- Mày thấy sao về bức chân
dung này? Trong cuộc triển lãm vừa rồi, ngoài những bức tranh khác, Tường đã từ
chối bán nó!
Chỉ là bức chân dung, đó là
khuôn mặt một thiếu nữ đẹp, cảnh tranh tối tranh sáng làm rõ chiếc mũi cao
thanh tú, bờ môi hơi trễ xuống với nét dỗi hờn, mái tóc dài óng ả, và đôi mắt
to tròn buồn bã nhìn thẳng vào người đối diện, bằng nét vẻ sắc sảo, ánh mắt
nàng như long lanh sáng.
Tôi chăm chú nhìn, ngờ ngợ:
- Tuyệt
quá! Dường như tao thấy giống...
Thu Sương cười nụ:
- Đó là khuôn mặt của mày,
nhưng tao cho rằng “bản sao” này không bằng “bản chính” . . .
Không quan tâm đến câu khen
ngầm của Thu Sương. Tôi ngạc nhiên:
- Không nhìn người mà anh ấy
vẽ được, hay nhỉ?
- Tường đã nhìn vào trí nhớ
của mình, hình ảnh nơi ấy hẳn là rõ ràng lắm. Không biết anh ấy có hài lòng về
nét vẽ của mình không? Mà mỗi buổi tối tao thấy ảnh đã ngồi ở đây rất lâu...
Tôi tránh ánh mắt dò xét của
Thu Sương, cô đang muốn thổ lộ điều gì qua câu nói ấy? Tôi bối rối:
- Trước một tác phẩm hài lòng,
người ta cũng thích ngắm nhìn nó như nhìn sự thành công của mình.
- Tao lại nghĩ khác Ngọc à,
tại sao anh ấy không chọn một khuôn mặt khác cho bức chân dung này?
- Vì đối với anh Tường, đó có
thể là nét mặt quen thuộc nhất trong hiện tại. Mày cũng hiểu rằng tất cả với
anh ấy đều đã thành quá khứ, còn những gì thuộc về tương lai thì chưa tới.
Thu Sương buông thẳng một
câu:
- Với mày, tao thấy chẳng cần
vòng vo, nói giúp người khác sự thật thầm kín trong lòng họ đôi khi là không
nên, nhưng tao thấy anh Tường bắt đầu thay đổi từ khi tiếp xúc với mày, đã thực
hiện những gì mày vẫn khuyên. Ảnh hăng say làm việc, chịu khó ra ngoài đi thực
tế, nhiều người nhận xét những bức tranh sau này của Tường, mỗi bức là một khám
phá. Chỉ có điều tâm tình anh ấy vẫn khép kín, không nói ra. Nhiều lúc thấy anh
ấy ngồi trầm tư, tao hiểu trong tâm hồn anh không còn bình yên như lúc anh ấy
“trốn đời” chọn cho mình lối sống đơn độc trong tình cảm.
- Đừng nói nữa, Sương...
- Tao chỉ nói giúp anh Tường
những gì tao biết anh ấy không bao giờ tỏ lộ. Mày biết rằng tao rất thương anh
tao và tao cảm thấy rất buồn vì những sự không may của ảnh. Tao luôn luôn mong
Tường có hạnh phúc như là mong hạnh phúc cho chính bản thân tao.
Tôi đặt tay lên vai Sương bóp
nhẹ:
-Tường là một người tốt, rồi
ảnh sẽ tìm thấy hạnh phúc mà.
- Khó lắm, anh ấy đã để trôi
qua một khoảng thời gian rất cần trong tuổi trẻ, và bây giờ dù rằng không đến
nỗi muộn, nhưng anh ấy vẫn giữ trong lòng một mối hoài nghi về lòng người.
- Tình yêu và hạnh phúc tao
tin là có số mệnh, mình không tự sắp xếp được. Nhưng trên hết thì chính người
trong cuộc phải nói lên lòng mình chứ không thể ai khác.
- Mày nghĩ sao về trường hợp
của anh Tường?
- Tao sẽ không trả lời được gì
cả với những câu hỏi toàn là dự đoán của mày, chứ không phải của chính Tường!
Thoáng trong lòng tôi một nỗi
buồn man mác. Tôi không thể mong đợi được điều gì xa hơn trong tình cảm của
Tường. Có lẽ tôi mãi mãi chỉ là một người em gái, sẽ dành cho anh của mình tình
cảm trân trọng nhất bên cạnh sự im lặng đầy cam chịu của anh!
Hồ Thụy Mỹ Hạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét