x16.
Truyện ngắn
RỒI SAU CƠN MƯA
Hồ Thụy Mỹ Hạnh
Ngày tôi được sinh ra đời, dường như đó không phải là một ngày
vui của ai cả. Bởi vì cả dòng họ và ba mẹ tôi đều mong đợi một đứa con trai, mà
tôi lại là con gái trong khi tôi đã có chị rồi. Người thất vọng đầu tiên phải
kể đến là ba tôi, ông gần như chẳng thèm ngó ngàng gì đến đứa con gái mà đối
với ông là thừa này, ông rời khỏi nhà bảo sanh ngay khi được thông báo đứa con mà
ông đang chờ đợi là con gái!
Những ngày sau đó ông không về nhà, để khỏa lấp vào sự thất vọng,
ông âm thầm tìm đến với một người đàn bà khác, (Gọi là để “kiếm” con trai) ông
phản bội má tôi vì một điều không phải lỗi nơi bà. Còn má tôi, khi biết chuyện
như vậy, bà cũng hiểu ngay rằng chính tôi là “nguyên nhân” đẩy ba tôi ra khỏi
hạnh phúc của gia đình. Sự căm hận ấy rất… chính đáng! Vậy là tôi trở thành một cái gai, trong
suy nghĩ của má tôi, tôi là người đã đem lại điều không tốt cho bà. Tôi là Sao
- Chổi nên bị hắt hủi, bạc đãi ngay ở cái tuổi chưa biết gì.
Sau khi bình tâm lại, ba tôi ra sức làm từ thiện, giúp đỡ người
khó khăn. Với cái suy nghĩ làm điều tốt để được phúc mà có con trai! Ông còn
hứa rằng nếu má tôi sinh con trai thì ông sẽ để cho bà làm bất cứ điều gì bà
muốn. Chỉ sau đó không lâu, thì má tôi cũng
sinh được con trai như mơ ước. Tin mừng ấy biến má tôi thành người “chiến thắng”.
Ba tôi quay về mẫu mực, phục tùng. Thời ấy ba tôi đang ăn nên làm ra, tài sản
có hàng chục chiếc xe chạy các tuyến đường. Má tôi chẳng phải lo gì về kinh tế,
trong nhà có vài người giúp việc, nên bà thừa thời gian. Nhờ đứa con quý tử, má
tôi muốn gì được nấy. Ba tôi không ngăn cản bất cứ điều gì má tôi muốn, ngay cả
việc bà tập tành chơi bài để giết thời gian. Sáng tài xế đưa má tôi đến nơi bà
muốn hoặc bà tự dùng Mobylette
đi một mình. Những người bạn của má tôi thuộc giai cấp giàu có,
họ cũng nhàn rỗi và thích giải trí bằng những con bài nhiều màu gọi là Tứ sắc.
Càng ngày má tôi càng mê trò chơi đó và tài sản cũng nướng vào đó không ít. Khi
ba tôi bắt đầu…hết chịu nổi! Ông cũng đi tìm gọi bà về, nhưng rồi đâu cũng vào
đó…
Cứ thế thời gian trôi đi, tôi có thêm vài đứa em trai, gái nữa.
Tôi lặng lẽ lớn lên bên chúng. Sẽ không có gì đáng để nói nếu không có một sự
không may bất ngờ ập đến với tôi, khi tôi đang chơi rượt đuổi cùng chị tôi, trong
một phút ngắn ngủi, làn gió độc từ đâu thổi tới khiến tôi ngã ra bất tỉnh, rồi biến
tôi từ một đứa trẻ khỏe mạnh đang tung tăng chạy nhảy bị tê liệt cả nửa người. Ba
má tôi cũng đã hết lòng chạy chữa cho tôi, nhưng y học ngày ấy không cứu nổi
đôi chân của tôi. Tôi trở thành người tật nguyền bên cạnh chị và bầy em vẹn toàn
của mình.
Mãi sau này lớn lên tôi vẫn thường xuyên nghe những người lớn
trong dòng họ kể lại những việc xảy ra trong gia đình của tôi vào thời ấy, và
nhất là tôi vẫn bị đứng bên lề tình thương như một mặc định hay đó là số phận
của tôi. Tôi vẫn thường xuyên nghe về điều đó, có người kể vì sự cảm thông,
thương xót cho hoàn cảnh của tôi, có người kể vì họ trách giận má vì máu mê tứ sắc
của bà.
Còn má tôi từ chỗ tìm đến những lá bài như một trò giải trí, thì
giờ đây lại biến thành niềm đam mê không từ bỏ được. Ngày nào cũng thế, ba tôi
đi làm thì bà cũng nối gót đi ngay. Của cải dần dần đội nón ra đi, kinh tế gia
đình bắt đầu sa sút. Má tôi cố che đậy bên này lại hở bên kia, và tôi lại cũng
là chỗ để bà trút những bực bội:
- Vì xưa kia chạy chữa cho mày nên mới thâm hụt. Của cải hết là
tại mày. . .
Lúc không chạy chữa nữa, tài sản vẫn về với chủ khác, tôi vẫn tiếp
tục bị trách mắng:
- Có một đứa như mày trong nhà thì làm gì cũng phải thất bại. . .
Dù là nguyên nhân gì tôi cũng phải cam chịu vì tôi đâu có cách để
tự cứu mình. Tôi đã lớn để ý thức về bản thân mình. Những người bệnh tật khác
không biết là có tội hay không? Nhưng riêng với tôi thì đúng là tôi có tội
trong suy nghĩ của những người trong gia đình, đó là cái tội không được vẹn
toàn như các chị em của tôi. Tôi không được sự quan tâm chăm sóc, không được học hành đến nơi, đến chốn. Không được
hưởng một sự ưu ái nào, ngược lại tôi phải làm tất cả những chuyện lớn bé trong
nhà khi mà ba má tôi không thuê người giúp việc nữa. Một bầy em nheo nhóc san
sát tuổi nhau cần sự săn sóc của chị, nhưng dù có cố sức đến đâu tôi cũng không hoàn thành tốt công việc của mình vì
đôi chân khập khiểng. Tôi thường phải nhận những trận đòn vì những sai sót của
mình mà không biết than van cầu cứu với ai,
mà cũng có ai bận tâm làm gì chuyện nhà người khác, chỉ thỉnh thoảng có
một người cô đến nhà tôi chơi, thấy những vết roi còn đỏ trên cánh tay tôi, lúc
không có ai, bà mới buộc miệng than:
- Con còn nhỏ mà mắt của con buồn quá, thảo nào số phận con phải
chịu như vậy. Khi mới sinh ra nhìn con đã rất khác biệt với những đứa trẻ khác,
tóc nhiều lắm mà mắt thì đen láy…
Những lúc như thế, tôi tha hồ mà khóc vì có người thương xót cho
mình.
Năm tháng cứ thế trôi đi, tôi cứ tự an ủi, vỗ về mình hãy cố mà
sống. Mẹ nào lại chẳng thương con, chỉ vì tôi xung khắc với má nên mới bị đối
xử như vậy. Tôi đặt hết tin tưởng vào bầy em của tôi, một ngày nào đó lớn lên
chúng sẽ hiểu tôi, vì tôi hết lòng thương yêu chúng. Tôi đã “từng trải” với sự
đau đớn trong tâm hồn và cả thể xác. Mười mấy tuổi đầu, người khác thì đang
sống trong vô tư, hồn nhiên, còn tôi thì đã từng thốt lên trong tuyệt vọng “Thượng
đế ơi! Cầu xin giải thoát cho con”
ooo
Rồi sau biến cố của đất nước. Tiếp theo là những khó khăn mà
trong tình hình lúc đó gia đình nào cũng bị ảnh hưởng. Gia đình tôi quá đông
người thì càng không tránh được điều đó. Má tôi dù muốn dù không cũng phải bươn
chải kiếm sống vì ba tôi phải vào nghiệp đoàn, mỗi tháng lãnh những đồng lương
ít ỏi không đủ lo cho gia đình. Nhìn má đi sớm, về khuya tôi rất thương vì tôi
nghĩ má đã bắt đầu một cuộc đời khác, với một cách sống khác. Bà chấm dứt trò
chơi đen đỏ. Tôi cũng không có thời gian để nghĩ đến bản thân mình, tôi phải
chung sức với má để lo cho bầy em nhỏ. Tôi ra chợ buôn bán, tôi lãnh hàng gia
công may, đan, thêu. Tôi làm tất cả những gì mà khả năng tôi có thể. Tuy vất vả
nhưng tôi hạnh phúc vì đã chứng tỏ được tôi không phải là người vô dụng như lời
má tôi thường nói. Tôi cứ lao vào công việc kiếm sống, trong đầu chỉ nghĩ đến có
gạo để đổ vào nồi cho mười mấy người đang tuổi ăn. Tôi không có thời gian để tham
gia vào bất cứ cuộc vui chơi nào, cứ để đời trôi như mảnh gỗ đã lỡ rơi xuống
dòng sông…
Rồi khó khăn cũng qua đi. Nhưng tôi không dừng lại được “trọng
trách” của tôi đối với gia đình, giờ đây đã thành một việc hẳn nhiên mà tôi
phải đảm nhận. Suốt ngày tôi tất bật bởi công việc. Tôi khéo tay và có đông
khách hàng, kiếm tiền không khó nhưng tôi không giữ lại gì cho riêng mình. Tôi
có bầy em nhỏ và tất cả vì chúng, tôi xem đó là “tài sản” của tôi và tôi tin tưởng rằng sau
này mình sẽ được đền bù. Ngày này qua ngày khác với tôi cứ vòng quanh với việc:
Sáng ra chợ buôn bán, tối về phải đi họp theo đoàn thể, khuya canh pha sữa cho
đứa em út và chăm sóc nó. Tôi dành hết yêu thương cho các em của tôi và không cảm
thấy thiệt thòi gì khi phải lo cho chúng.
Nhưng khi các em tôi trưởng thành, vài đứa làm ra tiền, đã quen
với sự nuông chìu trước đây của má tôi, chúng hoàn toàn làm theo cách chúng
thích và tôi lại là người đối nghịch với các em của mình từ quan điểm, cách
nghĩ, đến cách làm. Tôi cũng không thể khuyên bảo gì được chúng, vì chúng có sự
hậu thuẫn của má tôi khi tôi lên tiếng.
Đó cũng là lúc sức khỏe của tôi bắt đầu suy giảm, tôi bị suy
nhược cơ thể mà không có thời gian để nghỉ ngơi. Tôi không còn trẻ nữa! (Không
phải vì tuổi tác, mà vì suy nghĩ, tư tưởng của tôi đã quá già…) Công việc cũng
hạn chế, và dĩ nhiên tôi bị sự ngờ vực của má:
- Lúc này ít chi phí mà vẫn bảo là không có tiền, bắt đầu biết
cất giấu rồi, vậy thì sống riêng ra cho sung sướng, để mẹ con tui cực khổ với
nhau không ảnh hưởng đến. (Má tôi thường lập lại như thế mỗi khi bà nổi giận
với tôi)
Những đứa em của tôi chẳng cần suy nghĩ những lời như thế có bất
công cho tôi không, cũng bắt chước lên tiếng, đi theo con đường mà má tôi đã vạch
ra, đầu tiên là đứa em trai quý tử:
- Chị đi khỏi nhà này đi, thử không có chị tụi này có sống được
không.
Bằng giọng điệu ấy, các em tôi thay nhau nói, thậm chí là rất hỗn
xược mỗi khi có chuyện mâu thuẫn với tôi, mà cái chuyện ấy thì xảy ra thường xuyên
chỉ vì tôi không đáp ứng được nhu cầu cần tiền của má tôi. Sự uất ức đôi lúc
khiến tôi không còn nhân nhịn được, tôi cũng gào lên kể lể:
- Công sức tiền của tôi đã bỏ ra hết cho gia đình này, bây giờ
đau ốm tôi phải tự lo một mình, chưa đủ sao?
Vậy là bất đồng càng nghiêm trọng, má tôi phủ nhận lời tôi nói:
- Mày lo cho gia đình được cái gì mà kể công?
- Vì má bất công với con nên con mới phải nói vậy, tại sao với
những người kia má không đối xử như thế?
- Vì mày không giống bầy con của tao, mày xem có đứa nào đi đứng
giống mày không?
Câu nói của má như một lằn roi vung ra trúng đích, nó quất vào
vết thương vẫn mưng mủ trong tâm hồn tôi. Trước mọi người tôi đã không khóc, đã
ngỡ như hóa đá. Nhưng có nước mắt nào đủ cho những đêm khuya còn một mình tôi?
Có giấy bút nào cho tôi trút được hết nỗi đớn đau đang gậm nhấm dần mòn tôi?
Tâm trạng của tôi nhiều lúc rơi xuống tận cùng đáy sâu của tuyệt vọng, khiến
tôi cảm thấy sự có mặt của tôi trên đời chỉ là một sự tồn tại chứ không hề sống
cho đúng nghĩa. Một cuộc đời thật vô nghĩa, nó giống như một món nợ mà tôi đang
phải trả.
Tôi không có được một điểm tựa tinh thần, và trong nỗi tuyệt vọng
đó tôi đành hướng vào cõi tâm linh mà tôi tin tưởng rằng có. Tôi khẩn thiết cầu
xin thượng đế hãy tha bớt tội lỗi cho tôi nếu tôi có lỡ lầm gây ra ở một kiếp
nào mà tôi không biết. Cầu xin đừng trừng phạt tôi nữa và sớm giải thoát cho
tôi khỏi cuộc sống này, để một sáng mai nào đó tôi được mãi mãi bình yên trong
giấc ngủ không bao giờ thức nữa, nhưng thời gian vẫn vô tình lặng lẽ trôi, sự
bất hạnh vẫn đặt lên vai tôi những điều tôi không muốn. Thậm chí lạc vào giấc
mơ tôi cũng không gặp được một niềm vui.
Tôi không có cuộc sống sung sướng, tôi không được ủ đầu vào lòng
mẹ như những người con khác. Tất cả chỉ vì tôi là một đứa con không hoàn hảo
như ý muốn của mẹ cha, dù đứa con ấy không phải là gánh nặng, chưa bao giờ là
gánh nặng cho ai. Bởi tôi luôn luôn ý thức để vượt lên số phận của mình.
Tôi cũng biết rằng má tôi không hoàn toàn ghét bỏ tôi, chỉ vì
ngày sinh ra tôi bà đã bị một cú sốc tinh thần nhưng không ai chịu hiểu lỗi
không phải tại bà, (Càng không phải lỗi tại tôi). Tôi cũng hiểu chỉ vì gặp phải
khó khăn không biết trông cậy vào đâu, má lại luôn nghĩ rằng tôi có của riêng đang cất giấu nên trút
sự bực tức vào tôi cho hả lòng. Bà không nghĩ rằng chính những câu nói vô tâm
bị bà buộc miệng để tỏ ra không cần tôi, lại là cái cớ cho bầy em dựa vào đó mà
xô tôi ra khỏi vị trí trong gia đình.
Cuối cùng không còn cách
nào khác là tôi đành chấp nhận làm người bên lề của gia đình, rút vào một góc
riêng của mình. Ngày tôi làm một cái bếp riêng cho mình ngay trong ngôi nhà
chung. Khi đó trong túi tôi chỉ có một
khoản tiền ít ỏi, ngoài ra không có một thứ vật chất nào khác, vì trước đó tôi
chưa bao giờ nghĩ đến việc cất giấu riêng!
Nếu tôi được đối xử bình
đẳng, thì có lẽ không bao giờ tôi tính đến việc phải tích lũy để phòng lo cho
bản thân mình. Vì suy ngẫm lại, tôi thấy tương lai đen tối của chính tôi qua
những gì tôi bị đối xử, từ đó tôi tằn tiện tất cả những gì có thể, tôi chưa bao
giờ biết hoang phí, tôi chỉ thực hiện những việc tôi cần chứ chưa bao giờ được
làm những gì tôi muốn, có lẽ vì sự khắc nghiệt của cuộc sống đã hun đúc nên con người tôi như vậy.
Không biết có lúc nào má tôi chạnh lòng vì cảnh cô độc của tôi? Giờ
đây bà luôn ca cẩm vì những đứa con không biết lo khiến bà không yên tâm tuổi
già. Tôi xót cho má nhưng không giúp được
gì cho bà nữa, tất cả đã đẩy tôi quá xa với sự cảm thông rồi, tấm lòng của tôi
đã bị phủ nhận, tôi hụt hẫng trong tâm trạng mất mát, côi cút. Tôi không cần
giải thích với ai vì sao giờ đây tôi chợt trở nên cứng rắn, lạnh lùng trước
những việc mà trước kia tôi không đợi ai nhắc mình phải làm, bởi vì tôi đang
sống cho tôi, cho một con người có quá nhiều bất hạnh mà từ lâu tôi đã quên, dù
tôi biết không có vật chất nào có thể xoa dịu được nỗi đau trong tâm hồn tôi,
vì nó đã di căn, đã trầm trọng.
Tôi tự an ủi, vỗ về mình hãy
cố nở nụ cười, đời sống này nếu là nợ, thì hãy cam lòng trả nợ. Hãy giấu nỗi đau kia trong lòng để đứng vững.
Tôi cũng không còn trách hờn
thượng đế khi tôi sinh ra trên đời là đã đồng nghĩa với sự không may mắn, vì
thượng đế đã bù lại cho tôi khối óc biết suy nghĩ đúng sai, cho tôi nghị lực để
không gục ngã trước bất công vẫn tồn tại ở đời.
Đêm tôi lắng nghe tiếng mưa rơi ngoài hiên, tiếng gió làm những
cành lá va đập vào nhau xào xạc và tôi
tự nhủ “Có gió mưa nào rứt hết được những chồi cây, rồi chúng sẽ vươn lên, mạnh
mẽ. . .”
Hồ Thụy Mỹ Hạnh
Nỗi đau từ đây
Ngô Thụy Miên
https://youtu.be/0Zo2oiPkaAM?si=MBQmbfJRoWynCNpQ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét