Thứ Năm, 4 tháng 1, 2018

Chuyện Đời Thường - Truyện ngắn.


x25.

Truyện ngắn.

Chuyện Đời Thường

Đơn Phương Thạch Thảo

 

Tiếng cãi vã từ căn nhà đối diện mỗi lúc một to, tôi nhìn kim đồng hồ đang nhích về con số 12, cái giờ mà ở cái xóm lao động này cần sự yên tĩnh để sớm mai mọi người lại lao vào công việc. Sự nhọc nhằn lắng lại sau một ngày vất vả của họ đã bị đánh thức rồi, chắc chắn thế. Tôi hé cửa nhìn ra thì thấy vài nhà đã bật đèn, vài người đứng ngoài hiên to nhỏ và cùng hướng mắt nhìn về căn nhà đang ầm ỷ kia.

Đó là gia đình của một cặp vợ chồng mà cả xóm này không còn ai lạ gì khi nghe họ gây gổ. Anh chồng chạy xe ôm thường đứng đợi khách ở góc đường có một quán nhậu bình dân, nơi những người ít tiền thường tụ tập bù khú thâu đêm. Không biết có phải vì hay đứng cạnh đó nhìn mãi cảnh ấy rồi sinh tật? Cứ không có khách thì anh ta lại vào quán ngồi nhâm nhi, đó cũng là nguyên nhân nhiều người không muốn gọi xe anh ta vì sợ cái hơi men lúc nào cũng có ở anh ta. Ế khách thì đâm ra buồn bực nên càng nhậu để tiêu sầu.

Chị vợ buôn thúng, bán bưng. Bốn giờ sáng đã phải dậy ra chợ để đón hàng của của những người ở quê mang lên, khi thì mớ trái cây, rau củ. Khi thì vài con gà, con vịt rồi đem vào bán lại cho những người có quày hàng trong chợ. Nếu không sang tay được thì phải ngồi bán lẻ cho đến hết. Cuộc sống của họ khá vất vả, thiếu thốn. Điều ấy thể hiện ở mấy đứa con gầy gò, suy dinh dưỡng. Thể hiện trên khuôn mặt sớm có nét tàn phai của chị vợ. Người phụ nữ ấy trong mắt tôi thật đáng thương.

Họ thường xuyên cãi vã, cơm áo gạo tiền đều đem ra kể lể. Những lúc như thế hàng xóm nghe nhiều hơn là chính họ. Nhưng chỉ hôm sau lại như không có chuyện gì xảy ra, như không hề xúc phạm nhau. Có hôm chị vợ ở chợ về xách một cái áo cũ mua ở chợ trời, hớn hở gọi chồng từ ngõ “Anh ơi! Mặc thử cái áo này xem có vừa không?”. Lại chuyện trò rôm rã, lại hạnh phúc như…thường ngày! Nhưng đêm nay cuộc cãi vã xem ra không có tín hiệu gì là đến hồi kết thúc, vì mỗi lúc một quyết liệt hơn. Rồi bỗng có tiếng rú thất thanh của chị vợ làm tiếng anh chồng im bặt, thay vào đó là tiếng khóc của đám con.

Tôi bật cửa ra gọi một chị hàng xóm:

- Không xong rồi, phải vào can ngăn họ, trong lúc nóng giận họ có thể không làm chủ được bản thân…

Chị hàng xóm gạt phắt:

- Chuyện nhà ấy xía vào làm gì, họ không cãi nhau mới lạ…

Tuy nói vậy nhưng chị cũng đi với tôi, vài người đứng quanh đó cũng rảo bước theo. Quả nhiên khi đến nơi, ai cũng hốt hoảng khi thấy chị vợ đang nằm lăn ra đất, mặt bết máu, đám con thì ôm mẹ kêu khóc. Còn anh chồng đứng nép trong góc nhà, ánh mắt thất thần của một người lỡ tay phạm tội.

Khi thấy có người vô nhà, anh ta lấp bấp phân bua:

- Tui…tui chỉ quăng miếng thiếc vô đầu nó…

Ai đó la lên:

- Trời ơi! Nhiêu đó đủ chết người ta rồi.

Mọi người xúm nhau làm những việc cần thiết, rất may vết thương chỉ là một vết cắt ngoài da. Lúc này anh chồng mới hoàn hồn, cám ơn rối rít mọi người, ra vẻ ăn năn lắm. Ra về chị hàng xóm cười nói:

- Rồi cô xem, sáng mai lại đâu vào đấy, vui vẻ như thường. Bởi vậy mới có cơ hội sản xuất một bầy con như thế chứ.

Khu phố lại chìm vào sự tĩnh lặng, nhưng tôi không ngủ được nữa. Nằm suy nghĩ miên man lại cuộc trò chuyện qua điện thoại với Quỳnh My lúc chiều. Cô báo tin rằng cuối cùng thì cuộc hôn nhân của cô cũng kết thúc, êm thắm với sự thỏa thuận của cả hai người. Dễ dàng như khi kết hợp sau một thời gian chung sống. Không ồn ào, tranh chấp, một cuộc chia tay rất…văn hoá!

Tôi cũng nhớ lại ngày Quỳnh My và An yêu nhau, rồi cưới nhau. Quỳnh My lên xe hoa cũng là lúc chấm dứt sự theo đuổi từ các chàng trai khác. Đoá hoa đẹp, kiêu sa ấy đã có chủ và An, một người đàn ông trí thức, có sự nghiệp vững vàn cũng là điểm mơ ước của nhiều cô gái. Chúng tôi thường nói với nhau “Họ sinh ra là để cho nhau!”

Sự thuận lợi tạo nên tình yêu của họ, tôi luôn nghĩ Quỳnh My là một người may mắn. Nên tôi đã ngạc nhiên biết bao khi sau đó trong một lần gặp nhau, Quỳnh My đã tâm sự:

- Tâm hồn ông ấy khô cứng, khép kín. Nó chỉ hé mở để nói những điều cần thiết rồi im lặng vào cõi riêng của ổng. Vì vậy buộc tao cũng im lặng theo. Buồn vui không tỏ lộ được, những lúc chuyện trò của tụi tao giống như trong một cuộc họp, chỉ ngắn gọn, thẳng vào trọng tâm, nghiêm trang và thiếu cởi mở. Tao thấy gò bó, chật chội trong cái gọi là lồng son hạnh phúc này quá rồi. Tao muốn bức phá, vùng khỏi ràng buộc này…

- Nhưng mày có biết đời sống của vợ chồng mày là một ước mơ xa vời của một số người không?

- Tao cần gì thứ áo gấm lạnh lẽo ấy! Tao chỉ cần một người chồng hiểu tao, biết hỏi tại sao tao buồn và cho tao sự yêu chìu ngoài những thứ vật chất vô tri kia.

- Nhưng nếu thiếu những thứ vật chất ấy thì mày sẽ ra sao? Mày có thể hạnh phúc với những lời ngọt ngào, những cử chỉ âu yếm trong khi bụng đói và thiếu những thứ cho mày có một hình thức như thế? Tóm lại mày nên nói rõ những mong muốn của mày với An…

Quỳnh My kiêu hãnh nói:

- Tại sao tao phải nói? Ông ấy phải tự tìm hiểu chứ!

- Vấn đề là ở chỗ đó, thế có bao giờ mày tìm hiểu xem An cần gì, muốn gì chưa? Biết đâu vì thái độ bất cần của mày mà ông ấy thành ra như vậy.

- Mày độc thân nên không biết, người chồng họ cao hơn mình bởi vì mình tự khom lưng xuống. Tao thì không như vậy, mày cũng biết nếu không lấy An có thể tao còn lấy một người hơn ông ấy về mọi mặt!

- Người này cứ cho rằng mình hơn người kia, trong khi tao nghĩ  vợ chồng phải có sự bình đẵng, tôn trọng lẫn nhau…

Quỳnh My bĩu môi:

- Lý thuyết!

Tuy không còn trẻ, nhưng kinh nghiệm về cuộc sống gia đình tôi chưa từng trải qua, nên lời khuyên giải của tôi không thuyết phục được Quỳnh My, cô là một người được sinh ra và trưởng thành trong một gia đình giàu có. Từ bé đến lớn luôn được nuông chìu, cô chưa biết thế nào là thất bại. Kết hôn với An, Quỳnh My nghĩ rằng may mắn cho anh. Cô đề cao bản thân mình, có thể điều ấy là nguyên  nhân tạo nên hố cách ngăn trong tình yêu của họ và cuối cùng là sự đổ vỡ.

Tôi ngẫm nghĩ, cuộc sống thật muôn vẻ, nếu ai cũng xây đắp hạnh phúc của mình bằng lòng vị tha, biết nâng niu trân trọng những gì mình có, đừng đòi hỏi những việc quá tầm tay, biết lắng nghe, thấu hiểu thì sự rạn nứt đâu có chỗ để len vào.

Và như gia đình người hàng xóm của tôi, họ hay bất đồng vì sự nghèo túng, nhưng họ đơn giản, thích gì nói ra cái ấy, dù bằng thứ ngôn ngữ chợ búa, nhưng sau đó lại dễ dàng quên  những sai phạm của nhau. Họ lại bình đẵng và hạnh phúc theo cách của họ. Tôi chắc rằng chỉ sáng mai thôi, họ lại vui vầy ríu rít. Và biết đâu anh chồng lại chẳng tỏ sự “quan tâm” đến vợ của mình rằng:

- Hồi tối anh ném miếng thiếc vào…đầu em có đau không?

Đơn Phương Thạch Thảo

*Nam úc tuần báo(Adelaide-Australia)Số 650 thứ Sáu 27.6.2008

 

 

Bit kinh k

(Minh K - Hoài Linh)

https://youtu.be/Dp4K_oouvCw?si=uUk_XOAxAAwIIc9u

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đi sau bóng mình /Truyện ngắn

  R x76 Truyện ngắn Đi sau bóng mình Đơn Phương Thạch Thảo Bình dừng xe ngang trước cửa nhà Duyên để tiện dòm chừng trộm, cẩn thận k...