Thứ Tư, 14 tháng 11, 2018

Ngày Tháng Không Bình Yên (Truyện ngắn)



x 46.

Truyện ngắn.

Ngày Tháng Không Bình Yên.

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

 

Nhỏ Quyên nói thỉnh thoảng người ấy đến quán cà phê nhà nhỏ, lần nào đến cũng ngồi ở chiếc bàn nơi góc quán và nhìn ra đường, con đường bụi thường bay tung lên mịt mờ khi có một chiếc xe nào đó vụt qua, sau đó để lại một lớp bụi mỏng trên mặt chiếc bàn gỗ tạp đơn sơ mà có thể dùng ngón tay vẽ một cái gì đó lên mặt bàn.

Với điếu thuốc Capstan trên môi, ly cà phê đen trước mặt đã nguội, người ấy trầm ngâm như không quan tâm gì đến chung quanh, cũng không nhìn khi có ai bước vào quán dù cửa trước mặt mình, và dường như không nhìn cô chủ quán xinh xắn ngồi sau quày nước dù chỉ một lần.

Nguyện đi vào, không quên liếc nhìn bảng tên nơi ngực áo và phù hiệu trên tay áo của người ấy. Trên ve áo là chiếc “quai chảo” thêu màu đen, Nguyện thầm nghĩ có lẽ là một anh lính vừa mới ra trường. Qua những chi tiết đó không khó để nhận biết đó là một người lính của một đơn vị ở địa phương. Còn Nguyện thì đã từng thấy người ấy vài lần trên đường đi học về. Ngôi trường trung học nằm trên đồi đối diện với chi khu.

Nguyện không biết sao mình lại quan tâm đến một người không hề quen, một người trong nhiều người nhỏ vẫn gặp trên đường nhưng người ấy không hề lạc mất vào đám đông trong… trí nhớ! Người ấy không nhận ra sự có mặt (không hề tình cờ) của Nguyện trong quán này. Nhưng nhỏ ghé đến vì nghe  nhỏ Quyên nói rằng có thể người ấy sẽ đến theo lệ thường.

Nguyện nháy mắt với Quyên, hất nhẹ đầu về phía người ấy ngầm nói rằng nhỏ đã thấy “mục tiêu” mà cả bọn chú ý, rồi nhỏ đi thẳng vào gian trong, nơi có nhỏ Hoài bạn cùng lớp của Nguyện và Quyên đã đợi để thực hiện mục đích là hoàn thành lá “tâm thư”.

Quyên cũng theo Nguyện bước vào, nhỏ nói khẽ:

-Viết ngay đi, nếu kịp tui sẽ đem ra đưa luôn cho “ổng”.

Nguyện lắc đầu:

-Không ổn đâu, có cái KBC rồi thì cứ theo tên mà gởi. Chậm lắm cũng vài ngày…

Hoài xen vào:

-Bà Nguyện mới đi vào, bà Quyên xách cái thư ra. Ổng biết ngay “thủ phạm”.

Quyên gật đầu:

-Thì trước sau gì ổng chả biết, cũng có ngày phải gặp mặt chứ.

Nguyện xua tay:

-Nhưng lỡ ổng không chấp nhận thư làm quen của mình thì sao? Thà cứ gởi qua bưu điện đỡ quê hơn.

Hoài gợi ý:

-Hay mày kèm theo một tấm hình đi, tấm hình mày đứng giữa rừng hoa Cúc quỳ ấy. Nhìn tấm hình đó khó ai mà không “cảm”.

Quyên nhắc hai bạn:

-Chuyện đó để sau đi, bây giờ viết gấp lá thư đã…

Cả ba cô nhỏ trèo lên chiếc đi-văng. Nguyện lấy ra một xấp giấy, nằm xuống do dự một chút rồi đặt bút vào trang giấy mở đầu “Ông Lam kính”. Nhỏ liền bị ngay một phát vào “bàn tọa” vì nhỏ Hoài đánh:

-Bà làm ơn lấy cái kính ra giùm.

Nguyện bật ngồi nhổm dậy ngơ ngác:

-Cái kính nào đâu?

-Ông Lam kính! Nghe già chát, nhìn ổng chừng hai mươi, hai mốt là cùng.

Quyên góp ý:

-Ừ phải đó. Viết là ông Lam quý mến cho thân mật vậy…

Hoài phản đối:

-Chưa quen mặt biết tên, ổng còn không biết mình là ai mà thân mật cái nổi gì. Viết là ông Lam… trống không cũng được. Quan trọng là nội dung thư sao cho lâm ly bi đát vào là được.

Nguyện tỏ ra lo lắng:

-Nhưng tui hổng biết viết làm sao cho lâm ly bi đát!

Hoài kẻ cả:

-Thì bà cứ ghi theo, tụi tui đọc sao bà ghi vậy.

Nguyện lại nằm xấp xuống đi-văng, xấp giấy perlure màu xanh hy vọng, bình mực tím pha đậm và ngòi bút lá tre mới khai trương. Hai cô bạn ngồi dựa vào hai bên hong Nguyện, mắt hai cô nhìn về hai hướng mơ màng tìm ý tưởng:

Quyên đọc: “Hôm nay một chiều buồn phẩy Nguyện mạnh dạn thảo đôi dòng gởi cho ông phẩy Nguyện mong được ông chấp nhận Nguyện làm một người bạn nhỏ phẩy một người em gái hậu phương để được nghe ông kể về chuyện phong sương đời lính ba chấm”

Hoài đọc: “Những hàng cây hai bên đường thì thầm rằng mùa thu đã qua nhưng bỏ quên chiếc lá xanh xao lại cho cô học trò nhỏ ép vào trang vở chấm đời học sinh với biết bao mơ mộng và hôm nay hướng về người với một niềm khắc khoải”…

Quyên đọc: “Nhiều buổi đến trường Nguyện đi lề đường bên này phẩy thấy ông đi ngược chiều bên kia lặng lẽ phẩy luôn luôn bé tự hỏi mở ngoặc kép ông từ đâu đến đây để bảo vệ sự bình yên cho những người dân quê Nguyện chấm hỏi đóng ngoặc kép rồi tự nhiên thấy như thân thuộc lắm dù ông không chú ý gì đến đám học sinh đi bên này”

Hoài đọc: “Người là ai chấm hỏi mà để vương vấn trong tâm hồn em một nỗi u hoài vì người mãi lạ xa phẩy không biết em đã có những buổi tan trường trông ngóng buồn từng bước chân về vì không thấy người chấm thang”

Cứ thế một người tả tình, một người tả cảnh Nguyện chép liền liền không kịp ngừng tay để nhận ra những câu lủng củng. Lưng thì muốn gãy cúp vì bị hai khối “thịt” đè lên nặng không thở nổi nhưng nhỏ ráng cam lòng vì sợ hai “Quân sư” không giúp mình nữa. Cuối cùng Nguyện chỉ nghĩ ra được câu “ Nếu nhận được thư xin ông hãy dành chút thời gian hồi âm, vì khi gởi thư đi là những ngày rất chờ mong của Nguyện”

Cũng không lâu lắm, chỉ khoảng hơn…hai tháng thì Nguyện nhận được hồi âm của người ấy, khi mọi trông chờ đã rơi vào vô vọng. Lá thư vừa đến nằm trên văn phòng nhà trường đợi chủ nhân đến nhận thì lọt vào tay bọn “…thứ 3 học trò”. Nguyện đã gần khóc vì các trò quỷ quái của nhóm bạn và sau cùng là một chầu ổi chấm muối ớt Nguyện mới cầm được trên tay những dòng này:

“…Tháng này, mùa mưa đã đi qua. Không còn cái thú nghe mưa trên đá núi, cây xanh. Những ngày mưa không xuống núi được, đành ngồi trong lều uống café nghe mưa lốp đốp trên mái poncho. Những lúc đó, mưa, nghe như từ vạn thuở, và gió, như từ vạn kiếp thổi giá buốt lòng những chàng trai phải rời xa phố thị, đi đến mọi miền đất nước, sống kham khổ chỉ vì sự an ninh của lãnh thổ, vì chiến đấu cho một nền hoà bình của phân nửa nước Việt Nam…”*

Không phải vu  vơ mà sự mơ mộng đến trong mắt những nàng con gái! Nguyện nhất định lần này tự nghĩ để viết lá thư thứ hai cho người ấy với những suy tư của riêng mình mà không nhờ đến sự giúp sức của đám bạn cùng lớp. Không phải bỗng dưng mà Nguyện bị thầy ném cho một viên phấn vào trán trong lúc lơ đễnh nhìn ra cửa lớp theo dõi một…áng mây bay! Một khoảng trời quá đẹp mà từ bao lâu nay nhỏ không nhận thấy. Không biết có áng mây nào che mát đoạn đường cho người ấy trong những lúc hành quân!

Mùa Xuân đã qua. Sự oai ả của những ngày đầu mùa Hạ đã đến. Thư đi tin lại vài lần, Nguyện thỉnh thoảng vẫn gặp lại người ấy về, qua con đường cũ. Nhỏ thầm nói trong lòng: “Nguyện đây này, ông có nhìn thấy Nguyện không? Cùng một quận mà sao ông không một lần tìm thăm Nguyện? Hay ông nghĩ viết thư cho Nguyện chỉ vì để lấp vào nỗi trống vắng bởi xa nhà!”

000

Tin chiến sự khắp nơi không bình yên. Hàng ngày những đoàn xe GMC chở những người lính đến hoặc đi. Bầu không khí ngột ngạt vì hơi hướng của chiến tranh bao trùm. Nguyện thấy thấp thỏm lo âu và không biết từ bao giờ sự hồn nhiên trong Nguyện không còn, vì nhận biết sự nghiêm trọng của những đêm giới nghiêm. Nhìn ra khung cửa sổ hàng đêm, Nguyện đã biết nhìn lên bầu trời lấp lánh sao khuya để nguyện cầu cho đất nước bình yên, lòng nhỏ se sắt buồn. Người ấy bặt tăm không một dòng thư. Sự xáo trộn trong cuộc sống bắt đầu diễn ra. Không ai còn có thể liên lạc với nhau nữa  nhưng Nguyện vẫn viết, vẫn trông ngóng và đem thư bỏ vào những thùng thư của bưu điện giờ đã bị phá ngã trên dọc đường của đoàn người đi di tản khỏi quận lỵ với một dòng chữ “Dù đến bất cứ nơi đâu, ông cũng nhớ báo tin về cho Nguyện. Hẹn gặp ông nếu Nguyện còn sống trên đường lưu lạc này…”

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

(*trích MTNTVYT_HĐN)

 

Đan áo mùa Xuân

Nhạc: Phạm Thế Mỹ

https://youtu.be/pTC7p3-DFu4?si=TlL6eor9OURUzo2Y


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đi sau bóng mình /Truyện ngắn

  R x76 Truyện ngắn Đi sau bóng mình Đơn Phương Thạch Thảo Bình dừng xe ngang trước cửa nhà Duyên để tiện dòm chừng trộm, cẩn thận k...