Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

Điều khác biệt trong đời…Truyện ngắn

                 

x88.

 

Truyện ngắn

Điu khác bit trong đi…

Đơn Phương Thạch Thảo

 

Lệnh tập hợp khẩn cấp từ tổng tư lệnh má truyền ngược lên sân thượng khi tôi đang ngắm sao trời…một ông sao sáng, hai ông sáng sao! Không chậm trễ, tôi quay vào và gặp những người khác cũng từ các cửa phòng túa ra hấp tấp tranh nhau xuống cầu thang:

- Chuyện gì vậy nhỉ?

- Vui hay rầu đây?

- Tin gì chưa biết nhưng nhất định là quan trọng lắm!

Chúng tôi nhanh chóng vào vị trí theo hàng ngang:

- Thưa sếp! Tất cả có mặt, trừ anh Cả đi tư tác chưa về.

Má ngồi chễm chệ trên ghế xô pha, nét mặt tươi rói, rạng rỡ như có một đóa hướng dương nở trên mặt. Chị Cả ngồi ghế kế bên, cũng tươi không kém. Tôi tự hỏi “Họ trúng số độc đắc ư?”. Không chờ đợi lâu, vì có lẽ má tôi còn nôn nóng báo tin hơn:

- Báo cho các con hay rằng tất cả chuẩn bị được thăng chức…

Những cái miệng há ra ngạc nhiên, không hiểu:

- Ô…ồ!

Má tiếp:

-…chị Cả của các con vừa báo đã có tin vui! Nhưng má muốn biết chắc chắn, nên ngày mai sẽ đưa chị đi bệnh viện khám. Các con cần đi theo để hộ giá.

- Thôi đừng đi bệnh viện, đi khám tư đi…

- Đến bệnh viện chờ đến lượt mình thì bạc mái đầu xanh.

Chả biết nói gì để tỏ ra mình cũng rất quan tâm đến “thành viên” sắp xuất hiện trong đại gia đình chúng tôi trong chín tháng mười ngày tới, nên cả đám cố lôi trong trí nhớ những địa chỉ của các phòng mạch tư được điều hành bởi các giáo sư, tiến sĩ. Các chuyên khoa tim, gan, dạ dày, bao tử đều cũng được nhắc đến. Má gạt hết các ý kiến:

- Chúng ta sẽ đến bệnh viện chuyên khoa sản, vì cần khám cho chị Cả, các chuyên khoa khác không cần thiết trong trường hợp của chị Cả bây. Bệnh viện mới có đầy đủ máy móc và tập trung nhiều bác sĩ giỏi, bây giờ tại bệnh viện có khám theo dịch vụ yêu cầu  sẽ được phục vụ tốt, ở đâu có tiền thì ở đó mọi việc đều trôi chảy…

- Dạ! má nói đúng. Tiền là tiên là Phật. Là sức bật của lò so, là thước đo lòng người…

Buổi sáng tinh mơ má tôi đã thức dậy sớm, bà lục đục tự pha trà, rồi chế cà phê. Vừa thấy chúng tôi bà vội nói:

- Bắt đầu hôm nay, nghỉ nấu bữa sáng tại nhà. Tụi bây thích ăn gì tự ra quán mua về. Chị Cả bây không làm bữa sáng nữa, nó cần nghỉ ngơi và nếu cần bây phải phục vụ lại cho nó.

Những cái miệng há ra tròn vo:

-…h..a…hả? Có sự bất công nào vừa xẹt qua đây…

- Muốn được như chị Cả thì lo lấy chồng đi để được nhà chồng lo cho. Đừng có ế ra đó cả bầy…

Bầy con gái chúng tôi tự biết thân, rút lui có trật tự. Làng chàng sợ má đòi con rể thì chẳng biết đâu đem về.

Một buổi sáng tưng bừng trong nhà với “sự kiện” chị Cả có tin vui. Má tôi nói cười luôn miệng từ nhà lên xe và suốt đoạn đường đến bệnh viện, tụi tôi cũng a dua theo má, khen lấy khen để …quý tử chưa ra đời của bà.

Khu vực khám bệnh theo yêu cầu cũng đông nghẹt, lấy số khám bệnh rồi chờ thêm mấy tiếng đồng hồ. Có thai phụ đi một mình, có thai phụ đi cả nhà nên đông không đếm xuể. Chu choa ôi! Kinh tế khó khăn, sanh một đứa con nuôi nó cho đầy đủ không phải đơn giản, mà chả ai ngán, cứ đến cái khoa sản là biết ngay tôi không nói ngoa.

Tôi đứng nhìn quan cảnh chán rồi đi tới đi lui cho đỡ sốt ruột. Khi chị Cả được phòng khám gọi tên vào, thì một cô gái vừa ra. Cô gái đi một mình, bước loạng choạng như muốn ngã, qua hết đoạn hành lang cô dừng lại dựa vào vách như kiệt sức, nhìn thấy thế tôi vội đến gần hỏi:

- Chị có cần tui giúp gì không?

Cô gái ngẩng lên nhìn tôi, đôi mắt nhòa lệ, rồi lắc đầu không đáp. Lúc này tôi mới nhìn nét mặt cô còn trẻ, tôi lại hỏi:

 - Em bị đau ở đâu à?  

Cô lại lắc đầu, nước mắt tiếp tục chảy. Cha! Có vẻ buồn lắm đây. Tôi cám cảnh:

- Người nhà đâu sao không có ai đi cùng? Ai vô đây trở ra cũng hớn hở, còn em sao mà buồn vậy? Tưởng có tin vui té ra không phải hả?

Tôi hỏi tào lao vì không biết đặt câu gì cho phù hợp trong bối cảnh của…khoa sản. Dường như cô gái thấy tôi đáng tin, nên buộc miệng:

- Em sống ở đây một mình, gia đình em dưới quê. Vừa khám em có…thai hai tháng!

- Vậy thì phải mừng chứ, còn chồng em đâu?

Cô lại lắc đầu “Em chưa có…gia đình”:

- Hiểu rồi, chắc là do vui ngắn, nhưng hậu quả dai dẳng ha? (Trời ơi! Sao lại đi hỏi cái chuyện kém tế nhị như vậy chứ? Tôi bèn chữa sự vô duyên của mình) Có cần chị giúp gì không? Đưa về nhà chẳng hạn?

Cô gái im lặng, tôi quay đi sau khi dặn:

- Chờ chị ở đây, chị sẽ quay lại ngay…

Trở lại chỗ những người nhà, tôi thông báo với mẹ:

- Có người cần sự giúp đỡ của con, con cần “tạo phúc” cho quý tử tương lai của nhà ta.

Tất cả đều hưởng ứng:

- Được! Làm cho tốt vào nhé.

Tôi đưa cô gái ra ngoài gọi taxi, rồi cùng cô về nhà. Căn phòng đầy đủ tiện nghi, với một người xa nhà lên thành phố làm việc như vậy là rất sang. Tôi trở thành người bạn “tâm giao” của cô gái trong buổi chiều buồn như vừa đưa đám tang về. Mà nói có ngoa đâu, khác gì cô gái đang có trong lòng một đám tang…

-…ngày mới lớn, mộng mơ nhiều với mối tình đầu, nhưng em biết giữ gìn những gì mà một người con gái đoan trang cần giữ. Chúng em quen nhau nhiều năm, cận kề thân thiết nhưng khi ấy em vẫn không sa ngã với người yêu đầu tiên của em. Trong thời gian đó có một cô gái khác cũng rất thích anh ấy, cô gái này không bỏ qua cơ hội chen ngay vào khi em và anh ấy có chuyện bất đồng, kết quả là anh ấy đã phải chia tay em để…chịu trách nhiệm với cô gái kia. Ảnh còn cho rằng em không yêu anh ấy nên mới giữ gìn với anh ấy…

Tôi chép miệng:

-Người đó cũng không tốt vì mới bất đồng với em là đã “như thế” với người khác? Thì ra nình ông họ nghĩ ai dám sống xả láng với với họ mới là yêu?

- Không hẳn vậy đâu chị ạ, cũng có người nghĩ thế này, người nghĩ thế khác chứ không giống nhau đâu. Vết thương lòng của em lâu lắm mới êm. Em đã cố gắng quên trong học tập và tạo dựng cuộc sống ổn định như bây giờ, rồi mới gặp người sau này…

-…là cha của đứa con em đang mang đó hả?

Cô gái gật nhẹ, rồi phân bày:

-“Kinh nghiệm” lần trước bị thất bại, lần này em không…

Tôi trợn mắt cắt ngang:

-…không cần giữ gìn hả? Hắn mới mở miệng là em nhảy vô liền hả?

Đang tiu nghỉu, cô gái cũng bật cười:

- Không phải vậy chị ơi! Vì em yêu và tưởng ông ta cũng sẽ như...người trước kia, sẽ có trách nhiệm, rằng chắc ai cũng giống nhau khi yêu và nghĩ trước sau gì tụi em cũng là của nhau nên…nên chuyện xảy ra như một việc phải xảy ra. Không ngờ ông ta kết luận em là người dễ dãi, buông thả. Ổng nói “Bất cứ người con gái nào dễ dãi đều không đáng tôn trọng. Tôi có quyền nghi ngờ đứa con mà cô đang mang, biết nó là của tôi hay của ai, cô dễ với tôi thì cũng dễ với người khác…”. Một câu nói cửa miệng của những gã đàn ông muốn tránh trách nhiệm, không ngờ có lúc em phải nghe…

Tôi vung cánh tay tát vào khoảng không một cách giận dữ:  

- Rồi em có thân tặng cho gã đàn ông dòng họ của Sở Khanh kia một cái tát cho hắn chừa cái thói bạc tình…

- Không! Em chỉ hỏi ông ấy không có lương tâm sao nói ra những lời như vậy? Ông ta trả lời “Lương tâm ở thời buổi này chỉ là một thứ xa xỉ, tôi không muốn mất thời gian vì nó…”. Giờ em chưa biết tính sao với đứa con này! Bỏ nó thì em không đành…

- Đừng bắt chước những cô gái nông nổi thời nay, làm gì cũng không lường hậu quả. Nhưng nếu sinh ra cũng đừng đem vứt con ở cổng chùa hay trại trẻ mồ côi, xã hội không bảo em tạo ra nó rồi bắt xã hội gánh hậu quả, mình làm thì mình phải chịu. Giờ em hãy chứng minh cho mọi người thấy em là một phụ nữ can trường. Hãy nhờ gia đình giúp đỡ để sinh nó và nuôi dạy cho đàng hoàng. Đứa bé sẽ không trở thành vật cản trở bước tiến trong tương lai của em, mà có khi nó còn giúp em “rửa hận” khi thằng cha kia sau này lấy vợ lỡ…không có con, sợ tuyệt tự quay lại nhìn con em đừng cho nhận, cho chả tiếc ơi là tiếc...(Tôi hình dung ra cảnh đó mà thích ơi là thích!)

Cô gái dần tươi lên, tròn mắt nhìn tôi đang thao thao bất tuyệt:

-…sau này muốn làm lại cuộc đời em hãy rút kinh nghiệm, tránh xa hai loại đàn ông mà em đã yêu, vì cả hai loại đó đều nguy hiểm cho phụ nữ. Em hãy sống thật đàng hoàng để bù đắp lại sự lỡ lầm hôm nay rồi tương lai của em sẽ phẳng như vừa mới ủi. Hoặc cứ ở vậy làm một bà mẹ đơn thân cho khỏe, thời buổi giờ nhiều người thích sống độc thân như chị đây…

- Thế ra chị chưa có gia đình à?

Sợ cô gái “hiểu nhầm” về nguyên nhân gây ra sự độc thân của tôi, tôi nói luôn:

-…biết bao nhiêu người cầu hôn mà chị không “duyệt”.(Ở đây không có người nhà của tôi nghe, nên tôi “nổ” một phát mà không cần dòm trước, ngó sau).

 Khi được cởi mở nỗi lòng mà có người chia sẻ, nỗi buồn cũng vơi đi. Tôi khuyên cô gái hãy quên thằng cha đó. Con người không phải là thánh để biết tha thứ mọi điều người khác làm tổn thương mình, nhưng hãy học cách quên để không tự làm đau tâm trí của mình. Tôi thấy mình thật uyên bác vì nói được những lời hay ho như một người từng trãi. Cô gái ổn định được tinh thần sau khi nghe tôi khuyên giải. Tôi dặn dò cô gái cần giúp hãy gọi cho tôi, tôi sẽ sẵn lòng nếu có thể.

OoO

Tư lệch má vừa nghe qua câu chuyện về cô gái, bà tỏ ra không hài lòng:

- Không được giao du với loại con gái hư thân như thế. Ở đâu ra cái loại mất nết đó chứ…

Chị tôi chen vô:

- Thời nay chuyện đó bình thường lắm má ơi!

- Không được xem là bình thường! (Má tôi quắc mắt) Chính cái suy nghĩ đó mà khiến nhiều gia đình bị con gái bôi tro trét trấu vào mặt.

Tôi cố cãi:

- Chị Cả có mang sao má mừng như bắt được vàng, còn khen chị giỏi. Người ta cũng vậy sao lại phê phán? Hai việc có khác chi đâu…

- Một đàng là trầu cau rước về. Một đàng chưa được phép đã ăn cơm trước kẻng. Không thể so sánh?

Chị tôi lắc đầu:

- Thưa sếp chưa rõ! Con nghĩ để có con, ai cũng mần từng đó chiện khác gì đâu mà phân biệt!

Tư lệch má trợn mắt:

- Con gái mà ăn nói bừa bãi. Tư tưởng sinh ra hành động. Bây mà nghĩ như thế là má...là má…tức chết…

- Má khó quá nên tụi con ở giá ráo trọi! Con nghi nếu tụi con có anh nào theo về ra mắt, má ngồi chen ở giữa…

- Thì má vẫn nói “Nam nữ thọ thọ bất tương thân”đó. Hồi xưa không biết làm sao ba quen được má?

Tư lệnh má nghiêm mặt nói:

-…bà nội với bà ngoại bây quyết định hết. Khi ổng tới nhà coi mắt má, má mới được bà ngoại gọi lên hỏi “Con có ưng không?”…

-…má mừng quá gật liền hen!

Má lườm mắt hết một lượt:

- Tao chỉ nói “Má ưng thì con ưng!”. Bây thấy chưa, mọi thứ đơn giản như vậy mà hồi đó có gia đình nào ly dị, rắc rối như bây giờ. Hãy nhìn chị Cả bây đó, tại sao nhà ta quý nó? (Má trả lời luôn) Mọi việc khác có thể chê nó, nhưng nói về tiết hạnh thì ai dám xem thường!

Chị tôi rùng vai:

-…Đúng là khi đám cưới thấy chị Cả không có gì, nhưng không chắc anh chị không có gì đó trước với nhau, nhiều người không dại để có gì…

  - Có gì…có gì! Không được nghi ngờ như thế là xúc phạm anh chị bây đó nghe. Đừng có chen vô chuyện người khác, lo kiếm chồng đi.

Tôi nhanh nhẩu:

- Con thích sống một mình cho khỏe...(Nói xong tôi thầm nghĩ “Chứ hai mình ở đâu ra?”)

Má tôi hốt hoảng vì tưởng tôi nói thật:

- Má nói cho mấy cô nghe đây. Một thời gian nữa nếu không có ai “rước”, má tống khứ ra khỏi nhà hết, biết chưa?

Chị tôi ngẩng mặt lên trời than rằng:

 - Tại sao trời đã sanh ra Từ Hải còn sanh chi Hồ Tôn Hiến!

- Là sao hả chị?

-…là sanh ra Thúy Kiều còn sanh chi Sở Khanh…

- Nói dễ hiểu chút đi.

- Thì đã sanh ra má còn sanh ra chi mấy cô gái…ế!

Tư lệch má bực bội ra lệch:

- Giải tán hết! Bầy con gái  này sắp điên hết rồi..

Tôi rầu cái suy nghĩ cổ hủ của má, nhưng tôi cũng thấy điều má tôi nói cũng không thừa. Chị Cả tôi đang được mọi sự ưu ái của cả nhà vì chị sắp sản xuất cho họ nhà tôi một đứa cháu một cách…hợp pháp, trong khi đó có một cô gái trẻ lại đang đau khổ một mình vì một việc chẳng khác gì chị tôi. Có bất công nào ở đây? Khi họ cùng là đàn bà và cùng có một tình yêu lai láng dành cho người đàn ông của họ? Chỉ khác là họ được phép và chưa được phép mà cái nhìn của người đời dành cho hai trường hợp lại khác biệt như thế. Sự đời đã phân biệt vậy rồi, không muốn cũng vậy thôi. Nếu được hỏi có muốn được tôn trọng không thì ai cũng trả lời rằng có, cho nên dù sống ở thời văn minh đến đâu, con gái biết nghe lời mẹ dạy là cấm có sai. Vậy thì cô gái đáng thương vì cả tin kia ơi! Tôi rất thông cảm cho tình cảnh của cô, nhưng tôi sẽ nghe lời tư lệch má, tôi sẽ bắt chước Kiều Nguyệt Nga đợi một chàng trai đứng đắn nào đó nói “Khoan khoan ngồi đó chớ ra. Nàng là phận gái ta là phận trai” như Lục Vân Tiên, thì mới hé cửa phòng the ra…dòm! Lễ giáo cỡ đó mới xứng tầm lời má dạy, các anh chàng có thói ong bướm làm đời hoa tàn tạ không có cơ hội mà phát triển trong nhà má tôi.

Đêm tôi lại lên sân thượng ngẩng nhìn bầu trời đêm để canh chừng một ngôi sao băng nào xẹt qua là tôi sẽ ước ngay cái điều thầm kín trong lòng “Ước gì tôi gặp một hoàng tử bạch mã…”. Nhưng triệu triệu ngôi sao kia già lắm rồi mà chẳng ngôi sao nào chịu băng hà, để tôi ngóng cổ mỏi mòn cho đến tận bây giờ. Hỡi ơi!...

Đơn Phương Thạch Thảo

 



 

Đan áo mùa Xuân

Nhạc: Phạm Thế Mỹ

https://youtu.be/pTC7p3-DFu4?si=TlL6eor9OURUzo2Y

 

 







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đi sau bóng mình /Truyện ngắn

  R x76 Truyện ngắn Đi sau bóng mình Đơn Phương Thạch Thảo Bình dừng xe ngang trước cửa nhà Duyên để tiện dòm chừng trộm, cẩn thận k...