x64.
Truyện ngắn
Báu Vật Trong Nhà
Hồ Thụy Mỹ Hạnh
Ba má tôi chỉ có hai người
con, là anh Tuấn và tôi!
Khi người ta có “báu vật”,
họ sẽ rất khó khăn chọn lựa nơi xứng đáng để gởi gắm. Đối với ba má tôi, thì
anh em tôi là báu vật. Tôi sẽ nói về anh Tuấn trước. Anh là kỹ sư trong ngành
xây dựng, bao nhiêu căn nhà đẹp đã được hoàn thành dưới sự giám sát của anh. Óc
thẩm mỹ và kinh nghiệm trong nghề đã giúp anh có một vị thế trong xã hội và
cuộc sống tốt. Tuy nhiên anh Tuấn đã hơn bốn mươi tuổi, mà anh vẫn còn độc
thân. Không phải vì anh kém tài, xấu trai hay lý do gì khác để không có ai để
mắt tới. Mà phải nói rằng tình yêu luôn nối tiếp tình yêu đến với anh như phim
dài tập. Cũng có sự thúc hối của ba má, nên hễ quen chị nào là lập tức anh đưa
về ra mắt gia đình. Nhưng chưa có ai lọt được vào mắt xanh…của tôi! Đó là lý do
để những người đẹp của anh rời khỏi nhà tôi ra về là không hẹn ngày quay lại.
Và bây giờ tôi giới thiệu
một chút về tôi. Mắt tôi long lanh như mặt hồ thu. Mũi tôi thanh tú…dọc dừa.
Miệng tôi cười như nụ hoa hồng e ấp. Da tôi trắng như tuyết…(Ồ! Trắng như tuyết
thì ghê quá, vậy nói là trắng…thôi!) Dáng tôi thon thả, có thể mặc các trang
phục làm cho các mẫu áo đẹp…đẹp hơn! Tôi không nói quá đâu. Còn nữa nè, tôi nấu
các món ăn thì người nhà không ai dám chê dở! Tôi trang trí người nhà không ai
dám chê xấu và tôi nêu ý kiến về điều gì đó, người nhà cũng ít khi dám phản
đối! Như thế đủ cho tôi kết luận rằng tôi rất…có uy!
Tôi tiếp tục kể về
những chuyện liên quan tới anh Tuấn. Vì
trong mắt của gia đình, anh Tuấn là mẫu người lý tưởng như thế, nên phải có một
người tài sắc vẹn toàn mới tương xứng với anh. Tôi phải có một sự “tuyển lựa”
không thể lơ mơ cho một cô gái nào đó không đủ điều kiện, may mắn trở thành chị
dâu của tôi. Tôi chỉ nêu lên vài chị và lý do họ bị “out” khỏi tầm ngắm của
tôi.
Thuở lâu thật là lâu, anh Tuấn đã từng lần
lượt đưa các chị về ra mắt. Lần nào ba má tôi cũng bày tiệc để…ăn mừng! Ngoài
tôi ra thì còn ai khác phải vào bếp? Dĩ nhiên cô gái được anh Tuấn đưa về không
thể ngồi chơi xơi nước trên phòng khách. Tôi kể về chị đầu tiên, chị nhiệt tình
vào bếp phụ tôi. Nhưng như đã nói, với một người “tài giỏi” như tôi thì khó ai
làm trúng ý. Vì vậy tôi cứ nhăn nhó khi chị cứ va vào tôi trong khi căn bếp
rộng chỉ đủ cho mấy người cùng làm việc. Chị càng nhiệt tình thì càng lộ sự
vụng về của chị, nhưng chị muốn trổ tài để lấy lòng tôi, có lẽ chị biết câu
“Giặc bên Ngô không bằng mụ cô bên chồng”. Tôi có cảm giác chị “canh me” tôi,
nên cứ thấy tôi chạm tay vào việc gì là lập tức chị giành lấy, cứ thế chị làm
tôi vướng cẳng vướng chân đến nổi có lúc tôi làm rơi vài thứ đang cầm trong
tay. Tôi đâu phải là người dễ tính nên gắt lên:
- Chị làm ơn tìm thứ khác
mà làm, còn thứ gì tui đang làm chị đừng giành.
Chị cúi gầm mặt xuống, còn
mắt thì nhìn ngược lên tôi:
- Chị đâu biết cái gì cần
làm trong bếp này nên…
Tôi gợi ý (Một cách ác ý):
- Thì ra ngoài sân có
thiếu chi việc, các chậu kiểng cần xếp gọn lại đó.
Chị có vẻ mừng rỡ khi nghe
tôi “chỉ việc”:
- Được! Chị sẽ làm…
Nói rồi
chị thoắt nhanh ra cửa, khi tôi nhìn ra thấy mặt chị nhễ nhại mồ hôi vì cố sức
vần các chậu cây vào một góc, nhưng chả có thẩm mỹ mà còn lộn xộn. Anh Tuấn
phải mất thời gian ra phụ chị xếp lại…như cũ. Nhận xét của tôi về chị:
- Thích nhàn rỗi và thích được người khác phục vụ, là loại người
cứ giả bộ vụng về không biết làm gì, đụng vô cái gì hư cái đó để không ai bắt
mình làm nữa.
Đó là lần đầu cũng là lần
cuối chị có mặt ở nhà tôi.
Một thời gian sau đến chị
thứ hai, rất thời trang và xinh đẹp chẳng kém…tôi. Chị này không theo tôi vào
bếp, mà ngồi chễm chệ trên phòng khách nói chuyện với má tôi. Chị tự nhiên nói
cười:
- Dạ thưa bác! Năm nay bác
được bao nhiêu tuổi rồi ạ?
Khi nghe má tôi trả lời là
gần bảy mươi tuổi, chị ồ lên:
- Vậy là “hưởng thọ” chứ
không phải “hưởng dương” bác nhỉ?
Rồi chị còn tiếp tục
“phỏng vấn” má tôi đủ điều. Lúc cao hứng chị còn nói “Con cần phải biết hết, để
mai mốt làm người một nhà thì khỏi bỡ ngỡ…”. Tôi nhận xét:
-Nếu nhà mình cần một người có “cấp bậc”
cao hơn ba má, thì rước chị ấy về!
Kết thúc, chị một đi không trở lại.
OoO
Má tôi vẫn nhắc Tuấn tìm ý
trung nhân. Anh nói “Nếu lấy vợ cho cả nhà thì con sẽ thôi không nghĩ đến nữa.
Để em gái con lấy chồng rồi con mới tính…”. Mãi cho đến khi có người dạm ngõ
sắp rước tôi về dinh, không biết nhường ngôi nội trợ cho ai để chuẩn bị lên xe
hoa. Tôi mới dễ dãi “Anh hãy lấy vợ…cho anh đi, lần này em không can thiệp vào
nữa!”. Có lẽ nghe vậy Tuấn mới đưa một chị có tên Hiền Thục về ra mắt. Chị thật
sự dịu dàng, nhã nhặn, lễ phép và gì nữa nhỉ? À! Có vẻ hiền thục như cái tên
của chị. Má tôi thích mê tơi, nhưng chị nhỏ nhẹ đến độ khi tiếp xúc với chị, cả
nhà chúng tôi đều có cảm giác mình bị lãng tai. Khi lắng nghe chị nói, chúng
tôi phải tắt hết các giác quan khác để dồn nội lực vào thính giác nếu không
muốn hỏi lại để biết chị vừa nói gì. Cho nên sự nhỏ nhẹ đôi khi cũng là khuyết
điểm. Giữ lời hứa, tôi không chê, nhưng cũng có nhận xét “Người chi mà nói
không ra hơi. Sau này ai chửi không thèm chửi lại mới là thâm!”. Tuấn không
nhường nhịn tôi như những lần trước, anh sừng sộ:
- Em đừng thấy anh cưng
chìu quá mà làm tới. Không ai tốt dưới mắt em là sao? Phải tu dưỡng tính tình
để mai kia sống ở nhà người ta không làm họ thất vọng, hãy lo việc của em đi.
Chưa bao giờ Tuấn la tôi
như vậy. Tôi bực lắm nhưng không có lý do để cãi với anh. Rồi đám cưới của Tuấn
và Hiền Thục diễn ra tưng bừng. Hiền Thục về nhà tôi biết kính trên, nhường
dưới. Má tôi hả lòng hả dạ, nhưng tôi thì không. Tuấn “đề phòng” tôi, anh không
bao giờ dùng “thân mật ngữ” để nói với vợ trước mặt những người trong gia đình,
đặc biệt là trước tôi. Có một sự ganh tỵ không hề nhỏ trong lòng tôi vì giờ đây
anh hết ưu tiên cho tôi như ngày anh chưa vợ. May cho Hiền Thục là tôi đang bận
lo cho hôn lễ sắp tới của mình nên “gác” chị sang một bên. Tôi cũng biết mình
được rảnh tay, không còn phải làm gì vì đã có chị thay tôi những việc trước kia
là của tôi. Tuy nhiên tôi vẫn không thích chị, vì xét cho cùng chị là người…xen
vào tình cảm trong gia đình tôi. Một sự mặc định khó thay đổi trong suy nghĩ
của tôi. Vì chuẩn bị lo việc trọng đại của tôi, nên khách đến nhà liên miên, ăn
uống cũng liên miên. Chị là người sau cùng rời khỏi bếp vì mãi còn dọn rửa.
Tuấn có “nóng ruột” khi thấy vợ làm việc không ngơi tay thì cũng chỉ biết đứng
xớ rớ bên cạnh. Vì nếu đụng tay vào là có tôi “can thiệp”:
- Đi làm kiếm tiền đã cực
rồi. Việc nội trợ không phải của đàn ông.
Có lẽ vì muốn yên nhà, yên
cửa nên Tuấn không đôi co với tôi.
Những lúc Tuấn không có ở
nhà, Hiền Thục làm xong việc, thì tôi thấy chị hay ra ngồi ở đó, trầm ngâm nơi
chiếc ghế đá dưới lùm cây. Khó đoán được chị đang buồn hay vui. Bình thường chị
chỉ mỉm cười và rất ít nói, có lẽ chị
nhường cho tôi nói. Hiền Thục không làm mếch lòng tôi, có lẽ chị sợ “Hàng không
đúng phẩm chất thì sẽ bị trả về nơi sản xuất?”
Ooo
Rồi tôi lên xe hoa!
Nhà
chồng tôi cũng có hoàn cảnh xêm xêm nhà tôi. Tôi có cô em chồng tính tình khó
cũng xêm xêm tôi! Và có vẻ như tôi và cô ấy xung khắc, cô ít hài lòng những
việc tôi làm. Tôi tài giỏi như thế mà vẫn bị cô góp ý, sửa sai. Đôi lúc tôi
cũng “xực’ lại, thì cô ấy bảo “Núi cao thì có núi cao hơn. Người cứ tự cho là
mình giỏi thì khó tiến lên được…”. Nếu dám tuyên bố, tôi sẽ nói rằng “Tôi không
ưa cô em chồng của tôi chút nào!”.
Mùa xuân
đang đến, nhà nào cũng chuẩn bị để đón tết. Nhà chồng tôi cũng không ngoại lệ,
nào là giặt giũ, sắp xếp lại mọi thứ cho sạch đẹp, rồi thì làm bánh, mứt. Tôi
vận dụng trí thông minh của mình bằng cách giả…bệnh để tránh việc. Vậy là tôi
nhường hẳn việc cho cô em chồng một cách hợp lý. Tôi nhàn rỗi nằm trong
phòng…nghe nhạc! Nhưng ba má, anh chị tôi nghe tôi bệnh thì không yên lòng,
Hiền Thục được cử đi thăm tôi. Vượt mấy trăm cây số và nhiều quà cáp đem theo
để biếu nhà chồng tôi. Khi gặp chị, tôi không giấu “mưu” của mình, trong lúc
này còn ai tốt hơn Hiền Thục để tôi kể sự căm ghét của mình về cô em chồng:
-…Em sẽ
không sống cho kẻ khác, khi những điều mình đã cố hết sức vẫn không được họ…khen!
Hiền
Thục nắm tay tôi:
-Em à! Là
phụ nữ đã có gia đình, đôi lúc không được sống cho mình mà phải hy sinh vài
điều, cả việc không được tự do làm theo ý mình.Vì sống chung nên không thể làm
theo ý riêng. Để có sự vui vẻ, trước khi làm gì hãy chịu khó hỏi để có sự đồng
lòng của mọi người. Hỏi ý trước cho thấy rằng mình biết tôn trọng ý thích của
họ nữa. Biết tôn trọng người khác cũng là cách gây được sự cảm mến. Nhìn mặt em
chồng của em, chị thấy cô ấy cũng có nét dễ thương, dễ gần đó…
-Nhưng
nếu em hiền cô ấy sẽ bắt nạt!
-Đừng nghĩ như vậy! Em hãy
sống thật lòng, thật tốt rồi cô ấy sẽ hiểu ra rằng em đã bỏ cha mẹ để đến làm
con của gia đình họ, phải gánh vác, chu toàn những gì mà bổn phận một người con
dâu phải làm. Làm sao có thể hiểu nhau khi cứ khép chặt lòng mình hả em. Mọi
loài đều khó sống được nếu dội nước sôi vào nó. Em hãy cho cô ấy cái nhìn thiện
cảm, thì em sẽ thấy cô ấy không đáng ghét đến như vậy.
Tôi ngượng ngùng không dám
nhìn thẳng Hiền Thục. Có phải chị đang truyền lại cách cư xử của chị khi mới về
nhà tôi. Tôi đã từng đối xử không tốt với chị, giờ tôi cũng trong hoàn cảnh
chị, mới cảm thông:
-Hồi chị mới về nhà em, em
cũng có làm điều không tốt với chị. Chị có giận em không?
-Có một
chút buồn, nhưng chị không giận. Chị chỉ nghĩ chúng ta chưa có cơ hội để hiểu
nhau nên…
-Cám
ơn chị!
Lần đầu tiên từ ngày Hiền
Thục về làm dâu nhà tôi, tôi cảm thấy quý chị thật sự, từ tình cảm đó, tôi nắm
bàn tay chị thật chặt, yêu mến như với chị ruột của mình. Chị mới thật là “báu
vật” của nhà tôi, giờ đây chị mới là người cần thiết trong gia đình chứ không
phải là tôi. Tạo hóa đã không phí công để tạo nên một “tuyệt tác” là chị đó
Hiền Thục. Giờ thì tôi không còn ngạc nhiên sao anh Tuấn yêu quí chị nhiều như
vậy. Dù đã hiểu ra chuyện, nhưng tôi không thể…hết bệnh ngay được, nên tôi phải
tiếp tục…mệt! Hiền Thục nán lại một ngày. Một ngày với sự vui vẻ của cô em
chồng tôi khi họ cùng nhau làm việc gì đó ở bếp. Tôi nghe cô ấy luôn miệng khen
“Chị giỏi quá…Chị khéo quá!”. Còn Hiền Thục thì: “…em còn khéo hơn. Chị làm
được như thế là nhờ chị dâu em truyền cho đó…”. Tôi không “truyền” gì cho chị
cả, chị đang nói tốt cho tôi thôi, vì ngày chị mới về, tôi còn không đủ thời
gian để…ghét chị mà. Cô em chồng tôi nói “Công nhận chị dâu em giỏi, nhưng chị
ấy kiêu ngạo quá nên em không thích…”. Tôi đã hiểu tại sao hai người ấy có vẻ
tâm đồng ý hợp. Tôi tự vấn “Có phải mình đã sai?...”. Tôi đứng tần ngần trước
gương, “người” trong gương mỉm cười nhìn tôi. Nếu tôi cau có thì nó sẽ “đáp
trả’ tôi y vậy! Trong gian bếp vẫn tiếng của cô em chồng tôi nói cười rộn rã.
Không nghĩ gì thêm, tôi bước vội ra ngoài:
- Dường như mùa Xuân đến
từ chỗ này?
Hiền Thục thấy tôi thì vội
hỏi:
- Sao em không nằm nghỉ
thêm cho…mau khỏe?
- Em đỡ nhiều rồi, phải ra
học hỏi cô em làm!...
Cô
em chồng tôi ngạc nhiên:
- Chị mà cần học hỏi người
khác ư?
Tôi tạo một cử chỉ thật tự
nhiên:
- Có chứ, thời gian qua
chị đã cố tình tỏ ra mình giỏi cho “ai kia” tức mình mà trổ tài. Hôm nay thì
mắc mưu chị rồi nhé…
Người đời thường ghét sự
nịnh nọt, nhưng lời khen thì ai cũng thích. Cô em chồng tôi “rớt” ngay bộ mặt
“hình sự”. Nụ cười của em sao mà xinh thế:
- Mau khỏe để em giao lại
cái giỏi cho chị. Chị bệnh mấy ngày mà em mệt chết đi được…
- Ôi
thôi, thế thì tui…bệnh lại đây!
Cô em chồng đẩy tôi vào
một chiếc ghế:
- Đừng hòng thoát! Có bao
nhiêu tài mau bỏ hết ra…
Chúng tôi vật nhau ra mà giỡn. Tiếng của mẹ
chồng tôi “Chỉ có ba cô con gái mà nhà tôi giống hội chợ thế!”. Cô em chồng gọi
‘Mẹ có muốn…tham gia với chúng con không?”
Mùa Xuân
đầu tiên xa nhà! Tôi biết mình sẽ không cô đơn. Khi ta yêu mến một nơi nào, nơi
đó sẽ thành thân thuộc. Khi ta mở rộng cánh cửa tâm hồn, tình yêu thương cũng
tràn vào xua đi những u ám, tối tăm của
những gì trước đó.
Hồ Thụy Mỹ Hạnh
Chuyện đêm mưa
(Nhạc: Nguyễn Hiền –
Hoài Linh)
https://youtu.be/92Zcw8Q-Sg4?si=--3hFIKvc8DpIyL-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét