Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2022

Lối rẽ (Truyện ngắn)


x 72.

Truyện ngắn.

Lối rẽ

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

 

Vừa bước vào nhà, tôi bị mẹ quất một roi vào lưng đau buốt, rồi roi thứ hai, thứ ba...

Chị Mai Hằng vào sau tôi, mắt lấm lét nhưng không bị mẹ đánh. Có lẽ sự tức giận đã giảm nhờ trút được vào tôi trước.

- Đi học sao đến giờ này mới về? Còn ghé lê la ở đâu hả?

Tôi không dám khóc dù nước mắt đã chảy vì đau:

- Dạ…chị Mai Hằng kêu con đi với chị…

Mai Hằng vào đến nhà trong rồi lại quay lên:

- Mày đừng đổ lỗi cho tao nhé. Tao rủ mày đừng theo thì…

Mai Hà từ nhà sau nghe thấy thì vội lên, nói với Mai Hằng:

- Chị nói ngang lắm. Chị Mai Hân lần nào bị đòn cũng tại chị. Lần sau chị muốn làm gì đừng kéo chị Mai Hân theo.

Mai Hằng vẫu môi lên cãi:

- Mày biết gì mà xía vô?

Mai Hà là em út của tôi, tính tình trái ngược với chị cả, nó hiền lành và luôn đứng về phía tôi khi tôi bị chị Mai Hằng bắt nạt. Mẹ tôi lại rất tâm đồng ý hợp với Mai Hằng, tính tình chị cũng có nhiều điểm giống mẹ, có lẽ vì vậy mà mẹ cũng chìu chị hơn trong ba đứa con. Mai Hà đến gần tôi, xoa tay vào lưng tôi, tỏ vẻ thương cảm. Mẹ tôi lừ mắt nói trống không:

- Cái đà này rồi cũng hư thân mất nết thôi.

Ba tôi từ cầu thang xuống, thấy tôi còn đứng chờ mẹ cho phép mới dám đi. Ông từ tốn nói:

- Cho nó vào ăn cơm đi. Lần sau tan học phải về ngay nhé con.

Mẹ tôi hậm hực:

- Ông bênh con ông vừa thôi! Nếu có lần sau thì đi luôn đừng về nhà. Cái nòi giống ai không biết.

Tôi ấm ức nhưng không dám biểu lộ. Mẹ luôn hằn học với tôi. Còn Mai Hằng, những sai phạm của chị, bà chỉ nhắc nhở và tôi chưa thấy chị bị đòn bao giờ. Tôi không tự giải thích được cái điều mà người ta hay nói là xung khắc, nhưng điều ấy là có thật, tôi dù cố gắng cũng ít khi vừa lòng mẹ.

Đó là lý do tôi rất sợ mẹ, ngược lại ba tôi lại rất quan tâm đến tôi. Suốt những năm trung học tôi sống trong mái nhà này, tôi luôn bị mẹ “dạy dỗ” bằng roi vọt như thế khiến tâm hồn tôi rách nát vì nỗi đau. Rồi cũng đến lúc tôi thoát khỏi cảnh ấy. Khi tôi vào đại học, ba tôi quyết định đưa tôi vào Sài Gòn học dù mẹ phản đối dữ dội. Bà viện dẫn nhiều lý do, trong đó nguồn tài chánh phải lo cho tôi khi tôi phải xa nhà là quan trọng vì công việc của ba tôi đã sút giảm không còn thuận lợi như xưa. Nhưng có vẻ ba tôi đã quyết định. Tôi có người cô sẵn sàng đón nhận và giúp ba tôi lo cho tôi, đó là việc thuận tiện để ba thực hiện mong muốn của mình.

ooo

Tôi và ba đến nhà cô Út vào một buổi chiều nắng tắt. Cô tôi sống một mình, nên khi tôi đến có vẻ cô rất vui mừng vì đã có người sớm hôm bầu bạn với cô. Mọi thứ cô đã chuẩn bị cho tôi từ khi ba tôi có ý muốn gởi tôi vào ở với cô. Nhà của cô ngay mặt đường nên cô kinh doanh quần áo thời trang. Sài Gòn không mất vẻ hào nhoáng vốn dĩ của nó. Tôi lặng lẽ quan sát cô, một phụ nữ ngoài bốn mươi tuổi nhưng thời gian chưa đủ sức lấy đi nét thanh xuân trên mặt cô. Vẻ đẹp ấy còn pha chút lạnh lùng, một chút kiêu hãnh ở nụ cười chỉ hơi nhếch môi. Cô vẫn còn độc thân. Đó là điều tôi tò mò, không hiểu tại sao với một người có đủ điều kiện tạo nên một mái ấm êm đềm hạnh phúc, lại cứ sống một mình.

Căn phòng nhỏ dành cho tôi đã được cô Út dán giấy hoa trang hoàng vui mắt. Tôi cất những thứ mang theo vào chỗ gọn gàng ngăn nắp, rất hài lòng vì như vậy tôi vẫn được có một nơi riêng biệt như khi tôi còn ở nhà. Sau nửa ngày mệt mỏi ngồi trên xe đò, nên ăn uống xong là tôi xin phép đi nghỉ ngay. Ba tôi vẫn trò chuyện cùng cô rất khuya. Cô Út hỏi ba tôi về công việc, cô tin rằng với nghề xây dựng, ba tôi có cơ hội để phát triển hơn vì bây giờ ở đâu người ta cũng cần xây hoặc sửa chữa lại nhà cửa. Nhưng ba tôi cho biết ông thất bại vì thiếu vốn để cạnh tranh. Tiền ông kiếm được giao vào tay một bà vợ không biết tính toán, không biết cân bằng chi tiêu, nên tất cả như bỏ vào cái túi thủng!

 Vì tinh thần mệt mỏi nên tôi ngủ thiếp đi. Không biết bao lâu thì giật mình thức giấc vì giọng nói gắt gỏng hơi lớn của cô Út:

- Anh không có quyền à? Tại sao để chị Điệp đối xử với nó như vậy?

Giọng ba tôi thật khẽ:

- Bà ấy nóng tính và hay làm to chuyện nếu tôi bênh vực nó, nên tôi cũng khó lòng lắm…phải nhịn!

- Thật vô lý! Nếu đã vậy thì từ nay để nó ở luôn đây với em, em sẽ lo cho nó. Đều là con, nó phải được sự công bằng như mấy đứa kia chứ…

Tôi nằm im để lắng nghe cuộc nói chuyện, biết là họ đang nói về mình. Nhưng đến đó thì ba tôi im lặng.

ooo

Tôi hòa nhập vào hoàn cảnh mới dễ dàng. Tôi tôn trọng giờ giấc và qui tắc học hành. Tôi quan sát cách làm việc, sở thích của cô Út và làm đúng theo ý cô để không làm cô thấy bất tiện, do đó cô Út rất hài lòng. Tôi hay trò chuyện với cô về mọi đề tài. Tôi và cô rất ăn ý như một “đôi bạn”. Có lúc tôi tò mò hỏi:

- Sao cô không lập gia đình?

Cô Út ngần ngừ một lúc rồi đáp:

- Già rồi mà nói đến việc ấy làm gì.

- Nhưng lúc cô còn trẻ không yêu ai sao?

- Sao cháu lại muốn biết về điều đó?

- Vì khi còn ít tuổi cô phải đẹp lắm, bây giờ nhìn cô vẫn rất đẹp.

- Nhan sắc chưa hẳn dễ dàng tạo ra hạnh phúc cho mình. Những người con gái đẹp thường có số gian truân, sắc đẹp đôi khi còn hại họ.

Cô ngã người ra thành ghế, mắt mơ màng, vẻ mặt đượm buồn. Tôi nghĩ cô đang hồi tưởng lại những gì đã qua trong đời cô, nhưng cô lại nhắc đến một người khác:

- Giống như Diễm Hằng, khổ cả một đời…

- Diễm Hằng là ai hở cô?

- Là người người yêu xưa của ba cháu, là bạn thân của cô.

Tôi ngạc nhiên thích thú:

- Ồ! Trước khi cưới mẹ, ba đã từng có một người đẹp?

Cô im lặng. Tôi kéo ghế lại gần cô:

- Cô kể tiếp đi, khổ giống như Diễm Hằng là sao?

Cô Út dí ngón tay vào trán tôi, hỏi lại:

- Cháu biết để làm gì?

- Để xem tình yêu của người xưa có đẹp không.

- Đúng hơn đó là một bi kịch cháu à.

Trầm ngâm một chút, như thể cô đang nhớ lại câu chuyện hoặc sắp xếp cho mạch lạc rồi cô bắt đầu bằng một giọng buồn buồn:

- Gia cảnh của Hằng nghèo lắm, bởi thế gia đình ở tận ngoài Huế mà phải đi ở với họ hàng, thực chất là để giúp việc kiếm sống. Hằng may mắn là được ở với một người dì tương đối khá giả nên được cho đi học đàng hoàng. Là một hoa khôi của trường nữ trung học, ngoài nhan sắc thu hút, Hằng còn được nhiều người yêu mến do tính tình hiền hậu, đó là nét đặc trưng của các cô gái Huế. Cô ấy không trao trái tim cho ai dù nhiều người theo đuổi, cả người có địa vị…

- Thế còn ba con?

- Đừng nôn nóng bé con, thủng thẳng nào. À! Mà để cô kể ngay đến đoạn ấy nhé. Hằng có một người bạn thân là cô. Tất nhiên cô rất quí Hằng, cô cũng không quên mình có một người anh. Anh Định khi ấy là một sinh viên kiến trúc. Trong một mùa hè ba cháu về nhà nghỉ và gặp Hằng. Cô nghĩ ngay người yêu của ba cháu phải là Hằng. So với người khác thì anh Định được tiếp xúc với Hằng dễ hơn vì luôn có cô tạo điều kiện. Ồ! Đừng tròn mắt nhìn cô như thế, cái nhìn của cháu ngơ ngác làm sao, giống như…

- Rồi sao nữa cô?

- Rồi họ yêu nhau. Khi đậu tú tài toàn phần thì cô nghỉ học. Còn Hằng tiếp tục vào đại học. Chuyện của họ ngỡ bền chặt nhưng lại vấp phải trở ngại đầu tiên và cũng duy nhất là ông nội của cháu.

- Ông nội phản đối sao?

Cô gật đầu:

- Nhà nội thời đó thuộc hàng giàu có. Ông nội lại là người độc đoán, khắc nghiệt, chỉ làm theo ý mình.

Tôi nhớ có lần mẹ tôi kể rằng ông nội rất gia trưởng. Giờ nghe cô Út nói, nên tôi liền chêm vào:

- Cháu cũng nghe mẹ cháu nói ông nội rất độc tài.

Cô Út quắc mắt:

- Nhờ thế bà ấy mới lấy được ba cháu (cô tiếp tục kể) trong khi bà nội là người quá hiền lành, phục tùng mọi việc trái tính của chồng, không hề dám có ý kiến, về điểm này ba cháu giống bà nội…Cho nên anh Định là người đàn ông thiếu bản lĩnh.

Cô lại ngừng lời, một ý nghĩ nào đó vừa đến làm cô khó chịu chăng. Tôi nhắc cô:

- Rồi chuyện cô Diễm Hằng thì sao hả cô?

- Ông nội không chấp nhận Hằng. Một khi không thích thì dù ưu điểm, ông cũng có thể biến thành khuyết điểm. Ông nội cho rằng lấy một người vợ thông minh, có học thường nắm quyền chồng. Thứ hai người phụ nữ quá xinh đẹp có nhiều người theo đuổi khi lấy chồng ai dám chắc rằng không phản bội chồng.

Tôi kêu lên:

- Ồ! Thật là một tư tưởng hẹp hòi.

- Nhưng cái chính ai cũng biết ông nội không chấp nhận Hằng vì cô ấy nghèo. Để cắt đứt mối tình ấy, ông đã chọn Điệp vì gia cảnh chị ấy môn đăng hộ đối và ép ba cháu ưng thuận dù anh Định không hề yêu thương Điệp.

- Tại sao ba cháu lại chấp nhận việc hệ trọng của đời mình đơn giản như vậy!

- Do tính nhu nhược nên ba cháu không dám chống đối. Cô biết ba cháu đau khổ lắm và vẫn nhớ Diễm Hằng, nên đứa con gái đầu mới đặt tên Hằng. Cưới được vài tháng, ba cháu như người bất đắc chí, bỏ đi làm ăn xa nhà.

Tôi ngẩn người ra:

- Tội nghiệp mẹ cháu, lấy một người mà trái tim đặt nơi người khác. Nhưng mẹ cháu có biết chuyện cũ của ba cháu không?

- Mãi sau này mới biết. Chị Điệp là người kém về cách xử sự, nên khi biết chuyện ấy, chị ấy ghen tuông, tỏ thái độ rất quá đáng nên dần dần làm mất tình cảm của  những người trong gia đình. Khi ông nội hối hận thì đã muộn rồi…

- Có phải cô nhận xét về mẹ cháu như vậy vì cô là bạn của cô Diễm Hằng?

- Suy nghĩ của cô không nghèo nàn như vậy, cháu cũng có nhận xét thực tế chứ.

Tôi không muốn người khác đánh giá thấp mẹ mình. Tình cảnh của mẹ cũng đáng được thông cảm chứ:

- Cháu thấy nên hiểu tâm trạng cho một người vợ  không được chồng yêu. Cháu nghĩ điều ấy thật đau khổ. Có lẽ đó là nguyên nhân khiến mẹ cháu bất mãn sinh ra hành động không tốt chăng!

- Cháu không cần bào chữa cho việc ấy. Cô chỉ muốn nói về điều khiến ông nội ân hận, tự dày vò đã đem “tai nạn” vào đời đứa con trai duy nhất. Cháu có biết do tính hạnh của mẹ cháu mà gia đình cháu gần như bị cô lập  trong họ hàng?

Biết cô Út không thích mẹ, vì vậy tôi tránh nhắc đến mẹ, nên lái sang chuyện khác:

- Còn cô Diễm Hằng? Sau đó ba cháu còn gặp lại cô ấy không?

Cô Út chớp mắt, ngập ngừng:

- À! Việc đó thì cô không biết.

Tôi chép miệng:

- Cô ấy chắc là đau khổ lắm…

Cô Út gật gù:

- Cô cho rằng những gì mà ba cháu gây ra cho Diễm Hằng còn hơn cả sự đau khổ!

- Tội nghiệp cô Hằng. Cả ba mẹ cháu cũng vậy, đều là nạn nhân của định kiến hẹp hòi. Bây giờ cô Hằng ở đâu?

- Hằng bỏ Đà Lạt ra đi từ dạo đó. Mới đó mà hai chục năm rồi…

Im lặng để  mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. Tôi nghĩ đến người phụ nữ xinh đẹp mà cô Út kể, người đã bước vào trái tim của ba tôi và có lẽ chiếm lĩnh, ngự trị luôn ở đó. Dù thời gian có làm nguôi ngoai nhưng dễ gì quên khi bên cạnh ba là một người không phù hợp, có chăng là cái nghĩa mà thôi. Bây giờ tôi có thể khẳng định ba mẹ không có hạnh phúc. Chưa bao giờ thấy ông bà trò chuyện tâm đắc. Vẻ trầm lặng của ba và cách cứ xử thiếu mềm mỏng của mẹ. Mỗi người sống trong thế giới riêng của mình. Ông bà không hiểu nhau!

- Còn cô, có ảnh hưởng gì đến việc độc thân  của cô?

- Hình ảnh đầu tiên đã giết chết mơ mộng của cô về một người chủ gia đình là ông nội đối xử với bà nội. Cuộc đời bà đã chịu đựng biết bao nhiêu, cô gần gũi mẹ nên biết hết. Thứ hai là ba cháu, một người không gọi là hoàn hão nhưng cũng là mẫu người cho các cô mong đợi, vậy mà bên trong là sự yếu đuối, thiếu bản lĩnh mà một người đàn ông cần có. Và chung quanh bạn bè của cô, những cuộc đời đau khổ vì yêu. Khiến cô không còn muốn song bước với một gã nào.

Tôi thấy cô quá cố chấp với định kiến là trên đời không có đàn ông tốt, nhưng không dám nêu ý kiến của mình. Tôi nhủ thầm “Nếu là cháu, cháu sẽ cẩn thận hơn khi chọn một người để yêu từ…kinh nghiệm của người đi trước, cô à!...”

Ooo

Điện tín từ nhà nhắn tôi về gấp.

Tôi tự xô cửa bước vào nhà. Phòng khách vắng lặng, bình hoa trên bàn đã úa. Cảnh buồn bã thiếu sức sống.Vứt chiếc túi xách giữa nhà tôi bước ra sau. Mai Hà đang cắm cúi nhặt rau. Thấy tôi nó kêu lên:

- Em mới đánh điện tín cho chị hôm qua, mà chị đã nhận liền hả?

Tôi ngạc nhiên:

- Tự ý em hay ai sai?

- Ba sai em đi đánh…

- Có việc gì gấp mà phải nhắn chị về?

- Em không rõ. Chờ ba mẹ về mà hỏi.

- Có việc gì đó liên quan đến chị không?

Mai Hà lắc đầu không trả lời, cắm cúi làm việc của mình. Không hỏi được gì thêm ở Hà, tôi bèn đi tắm, trút bỏ sự mệt nhọc sau nửa ngày đi đường, lòng bồn chồn mong ba mẹ tôi về. Căn phòng của tôi vẫn nguyên cách sắp xếp cũ không xê dịch thứ gì, tất cả không bụi bẩn, có lẽ Mai Hà thường xuyên vào quét dọn. Tôi mở cửa sổ nhìn ra mảnh vườn sau nhà. Những bụi hoa um tùm mọc chen nhau, chứng tỏ không có người chăm sóc. Ngày chưa đi xa, chỉ có tôi thích trồng hoa và yêu thích việc đó. Tôi thở dài, tất cả quang cảnh có gì thay đổi lắm đâu, chỉ có cuộc sống trong ngôi nhà này là thay đổi, công việc của ba tôi không thuận lợi và kinh tế gia đình đang gặp khó khăn, sa sút. Tôi được biết ba tôi đang muốn bán ngôi biệt thự rộng lớn này, rồi mua một căn nhà nhỏ hơn, còn lại tiền làm vốn. Tôi sắp mất những hình ảnh thân thương ở đây, từ những thứ nhỏ nhất như từng bậc thềm, từng viên gạch lát sân, từng tiếng vi vu của hàng thông trên đồi chung quanh nhà, tất cả rồi sẽ đi vào kỷ niệm. Tôi buồn lắm…

Tôi định tìm Hà để hỏi thêm những việc xảy trong thời gian tôi vắng nhà, thì có tiếng gõ cửa. Tôi vội ra mở vì nghĩ ba mẹ đã về, nhưng không phải, đối diện tôi là một phụ nữ trung niên có phong cách tao nhã, khuôn mặt bà toát ra vẻ thanh tú bởi nụ cười, chiếc mũi cao thẳng giữa hai con mắt to đen long lanh, hàng mi dài càng làm tăng thêm vẻ thăm thẳm của tia nhìn. Một mẫu người đẹp mà tôi ít gặp quanh mình trừ trên màn ảnh. Tôi nhìn bà một cách ngưỡng mộ, rồi chợt bối rối khi bà hỏi:

- Có ông bà Định ở nhà không?

Giọng nói nhẹ  nhàng phảng phất âm điệu xứ Huế. Tôi lùi lại:

- Thưa cô, ba mẹ cháu đều đi vắng.

Bà mỉm cười, dợm chân như muốn bước vào nhà:

- Cháu ở Sài Gòn về phải không? Có phải cháu là Mai Hân?

Tôi hỏi lại:

- Sao cô biết cháu ạ?

Bà ta nhìn tôi chăm chú:

- Cô đã đến đây vài hôm trước, nghe nói cháu đi học ở Sài Gòn.

- Dạ cháu mới về tức thì.

Rồi mở rộng cánh cửa:

- Nếu có việc cần thì mời cô vào đợi ba mẹ cháu.

Bà theo tôi vào. Tôi mời bà ngồi rồi đi xuống nhà sau. Tôi hỏi Mai Hà:

- Thêm một bà chủ nợ nữa phải không?

Hà lắc đầu:

- Không phải!

- Vậy bà ấy là ai? Trước nay chị chưa hề thấy bà trong số người quen của nhà mình.

Mai Hà quay đi lấy bộ ấm trà:

- Em cũng không biết, chị tiếp chuyện đi để em pha nước cho.

Tôi khép nép đến ngồi đối diện với người khách. Tự hỏi đây không phải là chủ nợ thì là ai:

- Thưa cô! Cô đến hỏi mua nhà phải không?

Con mắt đen tròn của bà khách chớp nhanh:

- Ồ không…cô có việc khác…

Tôi thở phào:

- Dạ…vậy mà cháu cứ tưởng!

Người khách thắc mắc:

- Ba mẹ cháu định đi nơi khác sống sao?

- Cháu có nghe như vậy ạ.

Người khách đưa mắt nhìn quanh, nói khẽ:

- Xưa kia ngôi nhà này cũng rất quen thuộc với cô…

Rồi bà chăm chú nhìn tôi, tia mắt thiện cảm:

- Cháu xinh lắm!

Tôi ngượng ngùng đánh trống lảng:

- Cô có hẹn với ba mẹ cháu trước chứ ạ?

- Có, cô có báo là hôm nay cô sẽ đến.

Mai Hà mang hai tách trà đặt trước mặt chúng tôi, rồi nói:

- Thưa cô! Chắc ba mẹ cháu cũng sắp về, vì đi cũng lâu rồi.

Tôi hỏi:

- Có phải cô từ xa tới?

- Ờ! Cô ở xa lắm…

Mai Hà nói:

- Cô ấy ở nước ngoài về chị à.

Sự tò mò của tôi được giải tỏa. Giờ thì tôi yên tâm không phải bà là chủ nợ hoặc đến hỏi mua nhà, khiến tôi thấy dễ chịu. Tôi bớt đi mặc cảm về gia đình mình nên trò chuyện với bà tự nhiên hơn. Tôi cảm thấy thật thú vị khi ngắm nhìn bà. Vẻ đài các nhưng không kiểu cách, cử chỉ của bà khiến gợi lên trong lòng tôi mối thiện cảm khó tả. Bà khách không có vẻ gì nôn nóng mong gặp ba mẹ tôi. Một lúc lâu thì ông bà mới về đến. Tôi rời chỗ ngồi chạy ra đón:

- Thưa ba mẹ, con mới về.

Tôi ôm chầm cánh tay mẹ, bà có vẻ gầy hơn trước, làn da tái và vẻ mặt mệt mỏi. Tôi lo lắng hỏi:

- Mẹ không khỏe sao?

Mẹ rút tay về, không nhìn tôi:

- Làm gì mà rối lên vậy, suýt chút làm mẹ ngã.

Bà khách cũng bước ra chào. Mẹ tôi hỏi:

- Cô đến lâu chưa?

Bà khách chìa tay bắt tay mẹ tôi:

- Tôi cũng vừa đến mươi phút…

Ba tôi dắt xe vào nhà, ông hơi cúi mặt. Không có vẻ vồn vập của những bạn lâu ngày mới gặp nhau. Không có cử chỉ biểu hiện sự thân mật. Một không khí tẻ lạnh. Tôi tự hỏi “Họ không thích nhau sao?”

Tất cả trở vào ngồi xuống. Tôi định lui ra sau thì mẹ tôi gọi giật lại:

-Mai Hân ngồi xuống đây.

Linh cảm cho biết tờ điện tín gọi tôi về có liên quan đến cuộc gặp gỡ này. Việc gì có thể xảy ra? Hoàn cảnh gia đình tôi hiện giờ không cho phép tôi lạc quan, nên tôi rất hồi hộp:

- Thưa mẹ, con xin ra sau.

Mẹ nghiêm mặt:

- Không, con ngồi xuống đây.

Rồi mẹ quay sang người khách:

- Chắc cô đã chuyện trò với nó trước khi chúng tôi về, nó đã biết gì chưa?

Câu hỏi của mẹ làm tôi liên tưởng đến một việc gì đó đã được sắp đặt. Một hình thức đổi chác trong hoàn cảnh bế tắc mà tôi vẫn thường thấy trong tiểu thuyết. Người khách trả lời:

- Không! Tôi chưa nói gì cả.

Ba tôi có vẻ mất tự nhiên:

- Con mới về…từ từ đã…

Thần kinh tôi căng ra, tôi cất giọng van vỉ:

- Có chuyện gì xin hãy nói. Con muốn biết ngay. Xấu tốt gì con cũng chịu đựng được mà.

Mẹ tôi nhếch mép cười:

- Cô Diễm Hằng! Cô thấy đó, nó là một đứa rất cứng đầu…à không, rất cứng rắn, ít có đứa con gái nào được như vậy.

Cái tên Diễm Hằng mẹ tôi vừa gọi làm tôi sửng sốt. Câu chuyện hôm nào cô Út nhắc về người bạn thân của cô, cũng là người tình cũ của ba tôi đang hiện diện ở đây. Quá đỗi ngạc nhiên, tôi buộc miệng:

- Cô Diễm Hằng! Con đã nghe cô Út nhắc đến cô.

Mẹ tôi quắc mắt:

- Vậy là đã nghe cô Út nói rồi à?

Tôi bối rối ngỡ là mẹ không hài lòng việc cô Út kể về người xưa của ba, nên nói:

- Thưa mẹ, cô Út chỉ nói cô Diễm Hằng là bạn học khi xưa của cô…

Sắc mặt mẹ hơi ửng lên:

-…thôi che giấu quanh co làm gì, còn chờ gì mà không nhận mẹ đẻ của mình đi.

Chiếc ghế tôi đang ngồi chao đi, tôi thấy toàn thân run rẩy. Mắt căng ra nhìn mẹ tôi, muốn xuyên thấu vào tâm can bà. Tôi hỏi lớn, cảm giác hụt hơi:

- Mẹ…mẹ vừa nói gì???

Ba tôi đưa tay ra như muốn ngăn lại những lời mẹ tôi đã thốt ra rồi:

- Tôi đã nói với em đừng vội, tránh cho con quá xúc động.

Mẹ tôi thản nhiên:

- Trước sau gì cũng đến lúc đó thôi.

Bà Diễm Hằng im lặng, những ngón tay thon gạt nhanh nước mắt lăn xuống má. Tôi quay sang ba, bật khóc:

- Ba nói đi, con không phải là con đẻ của mẹ sao?

Ba tôi nói khẽ:

- Diễm Hằng mới chính là mẹ ruột của con…

Tôi đứng bật dậy:

- Không! Không thể nào.

Đôi mắt bà Diễm Hằng đẫm lệ. Môi mấp máy muốn nói gì đó, nhưng rồi bà úp nhanh mặt vào bàn tay, hai vai run lên từng hồi. Ba tôi đứng lên ấn vai tôi ngồi xuống:

- Con bình tĩnh lại đã. Đó là sự thật mà ba mẹ cố giấu để con không cảm thấy khác biệt trong tình cảm gia đình. Nhưng định mệnh chắc đã sắp sẵn cho ngày hôm nay nên…

Tôi lắc đầu:

- Có phải đây là một sự đùa giỡn và sẽ chấm dứt ngay? Con không có người mẹ nào khác, ngoài người đã nuôi con đến hôm nay. Dù trong hoàn cảnh nào con cũng không muốn có cùng lúc hai người mẹ!

Bà Diễm Hằng ngước nhìn tôi thảng thốt:

-…Mai Hân!

Tôi bắt đầu nức nở:

- Cô là mẹ của con sao? Có người mẹ nào bỏ con mình trong ngần ấy năm không biết nó sống ra sao. Nếu con được cô sinh ra sao con không sống cạnh cô và hưởng tình thương từ cô…

Mẹ tôi cắt ngang lời tôi:

- Cô thấy đó, tính tình nó là như vậy, bao nhiêu năm qua tôi đã chịu đựng không nói ra, vì sợ anh Định hiểu sai lệch tình cảm tôi dành cho nó (Rồi bà nhún vai) Tôi e rằng nó sắp xúc phạm cô bây giờ…

Bà Diễm Hằng khẩn khoản nhìn mẹ tôi:

- Mai Hân bị sốc vì bất ngờ, xin chị thông cảm cho con. Đúng là tôi có lỗi với nó, tôi bằng lòng nhận sự trách hận của nó mà.

- Con không oán hận cô, bởi con không chấp nhận việc này. Thưa ba, nếu ba gọi con về vì việc này thì mong ba mẹ xem như không có cuộc gặp gỡ hôm nay. Ngày mai con xin phép vào lại Sài Gòn…

Ánh mắt ba thoáng buồn rầu:

- Tất nhiên là do con quyết định, nhưng ba muốn con suy nghĩ chính chắn để không lỗi đạo với…

Ông ngập ngừng, hắng giọng rồi ngưng ngang. Bà Diễm Hằng nói:

- Anh chị cho phép tôi gặp riêng Mai Hân.

Tôi lắc đầu:

- Con không có gì để gặp riêng cô. Cho phép con vào trong…

Tôi chạy nhanh đi không đợi cho phép.

Đóng chặt cửa phòng, tôi nhoài người xuống giường. Tôi vò tóc rối lên, tôi rên xiết lăn lộn. Vậy là thân phận tôi đã rõ, tôi không phải là con của người mà tôi vẫn gọi là mẹ. Mối liên hệ nào khiến mẹ Điệp phải nuôi tôi? Những cay nghiệt trong thời gian qua bà đã đối xử với tôi không phải do xung khắc như tôi vẫn tưởng. Chứng tỏ bà bị bắt buộc chấp nhận tôi, vì nguyên nhân gì thì tôi chưa rõ, song nhất định bà đã không thoải mái khi thấy tôi bên cạnh. Tôi không hề nghi ngờ, cứ nghĩ tôi và bà không hợp tính nhau. Cũng như mỗi lần bị đòn roi, tôi cũng cho rằng tại mình làm sai không đúng ý bà. Ngờ đâu từ buổi ấu thơ định mệnh đã nghiệt ngã với tôi, đem tôi đặt vào tay của người đang mang trong lòng một mối ghen hờn để tôi bị đày đọa.

Tôi nhớ lại chuyện cô Út kể về cuộc đời của ba tôi, chỉ thiếu phần liên quan đến tôi. Điều ấy cho thấy mẹ Điệp đã dùng tôi như một công cụ để trả thù, để chịu thay cho người đàn bà có tên Diễm Hằng, người đã chiếm mất vị trí của bà trong tim ba tôi. Thế nên bà không thể thương yêu tôi, không thể xem tôi như con bởi nhìn thấy tôi là gợi lên trong lòng bà hình ảnh của người phụ nữ xinh đẹp, dịu dàng đang ngồi ngoài kia, mà khách quan so sánh thì hơn bà về mọi mặt. Tôi thấy thông cảm cho mẹ, dù những gì bà đối với tôi khá tàn nhẫn. Làm sao buộc bà nghĩ khác đi, bà có quyền ích kỷ, bà có quyền nhỏ nhen, bà có quyền hắt hủi vì tôi không phải do bà sinh ra.

Còn cô Diễm Hằng! Là mẹ ruột của tôi đó ư? Người đã chiếm ngay cảm tình của tôi khi vừa đối mặt. Người mà cô Út đã vẻ trong trí tưởng tượng của tôi sự ngưỡng mộ, lại là người sinh ra và không hiểu vì lý do gì đã bỏ rơi tôi? Tôi không được sung sướng, tôi thèm khát tình thương, tôi không được ủ đầu vào lòng mẹ như những đứa con khác, chỉ vì bà nỡ bỏ rơi tôi.

- Mẹ!

Tiếng kêu bật khỏi môi, tiếng kêu nghẹn ngào tắt nghẹn nơi cổ họng. Nước mắt mặc tình tuôn chảy, tôi khóc thỏa thuê, nức nở ai oán:

- Mẹ! Con hận mẹ…sao đến bây giờ mẹ mới tìm con?...

Bà sẽ đau đớn lắm vì thái độ của tôi. Dù tôi cũng cảm thấy một mũi tên vô hình từ ánh mắt bà bắn xuyên suốt vào tim tôi, nó làm tôi đau đớn và tôi sẽ còn đau hơn nếu rút mũi tên ấy ra khỏi tâm trí mình. Tại sao tôi không dễ dàng ngã vào lòng bà! Tại sao tôi không đón nhận ngay tình mẫu tử đã xa lìa tôi hai chục năm qua để được đền bù! Tất cả vì tôi đã có một cuộc sống quá tủi cực vì sự bỏ rơi của bà.

Tôi nhỏm dậy trong trạng thái vật vờ. Trời đã tối hẳn, chung quanh thật yên tĩnh. Suốt từ chiều không ai đến gõ cửa phòng tôi. Tôi thấy đói, bụng cồn cào. Sực nhớ rằng tôi chỉ ăn một mẫu bánh mỳ trước lúc lên xe, và suốt từ đó tôi không có món gì cho vào bụng. Lừng khừng mở cửa phòng, trong ánh đèn mờ, ba tôi ngồi trên một chiếc ghế ngay cửa phòng tôi.

- Cuối cùng thì con cũng đã mở cửa.

- Sao ba lại ngồi đây. Sao không bật đèn lên?

Giọng ông khàng đục:

- Ba lo lắng cho con. Nếu con không mở cửa ba sẽ ngồi mãi ở đây.

Tôi thường hay có cảm giác cô đơn, khi quá cô quạnh và chung quanh là khoảng trống mênh mông, tôi cũng ngồi trong bóng tối mới bớt đi sự trống trải và dịu niềm trắc ẩn trong lòng. Cảm giác ấy phải chăng giờ đang ở ba tôi. Tôi chạnh lòng:

- Con không sao đâu. Mình ra ngoài kia nghen ba.

Ba nhỏm dậy khỏi ghế:

- Ừ!

Ánh sáng chan hòa khắp căn phòng. Tôi đến ngồi bên cạnh ba:

- Ba tha lỗi cho con. Vì con bất ngờ trước chuyện này quá. Ba có thể kể rõ cho con biết không?

Ông do dự:

- Con có trách ba không?

Tôi lắc đầu:

- Trước khi biết nên làm gì, con cần nghe sự thật. Con được biết qua lời cô Út kể, cô Diễm Hằng là người yêu cũ của ba. Còn những gì liên quan đến con, giờ xin ba nói tiếp…

Ba ngập ngừng kể:

-...chìu ý ông nội nên ba cưới Điệp, những tưởng thôi quên đời đi để sống. Nhưng khi sinh được chị con là Mai Hằng, cuộc sống của ba như bế tắc vì tính khí khác thường của Điệp. Ba đau khổ tột cùng, tất cả mọi người trong gia đình ai cũng hiểu nên không thể ngăn ba đi xa. Lang bạt khắp nơi, nhờ đó tình cờ ba gặp lại Diễm Hằng. Khi nghe tin ba cưới vợ, cô ấy âm thầm rời Đà Lạt, rồi đến một quận nhỏ xin dạy ở một trường tư thục. Tình cảm của ba và cô ấy đâu dễ xóa được dù hoàn cảnh trớ trêu như vậy. Diễm Hằng biết ba đau khổ và có thể chết nếu mất cô ấy một lần nữa. Ồ! Con cười được sao? Con cho là ba yếu đuối quá chăng?

- Con không dám nghĩ như thế. Ba kể tiếp đi.

-…Ba mất Diễm Hằng là một mất mát quá lớn không có gì bù đắp được. Cô ấy là một viên ngọc quý mà trước đó ba không đủ bản lãnh giữ được cho mình. Sau ngày tháng cận kề, cô ấy  mềm lòng trước sự tha thiết của ba. Tình yêu có khi khiến người ta không nghĩ đến sự thua thiệt. Rồi Diễm Hằng sinh con, đó là giai đoạn hạnh phúc nhất trong đời mà ba có. Nhưng rồi chuyện cũng đến tai Điệp, bà ấy đưa một nhóm người tìm đến hành hung, đập phá. Bị sỉ nhục nên Diễm Hằng dứt khoát với ba, từ chối tất cả những thứ ba mang đến để lo cho đời sống của hai mẹ con. Rồi một hôm không từ giã ba một lời, cô ấy bồng con đi biệt tích…

-…vậy sao con lại ở đây?

- Ba tìm kiếm khắp nơi, nhưng cánh chim bé nhỏ ấy đã rời khỏi tổ ấm của mình bay đi thật xa. Ba hoàn toàn tuyệt vọng. Những năm đó chiến tranh tràn lan. Ba má của Diễm Hằng bị thiệt mạng trong một trận pháo kích, nhà cửa tan hoang. Lúc này còn có thêm con. Diễm Hằng không về quê vì không còn người thân ở đó, nên lại quay về Đà Lạt sống nhờ vào người dì đã nuôi cô ấy lúc đầu. Biết tin ba liền tìm đến, nghe cô ấy gánh légume ra chợ bán từ mờ sáng. Vất vả như thế nhưng cô ấy vẫn từ khước những gì ba muốn chia xẻ. Cô ấy luôn xua đuổi ba… 

Nước mắt tôi ràn rụa ra khóe. Ba tôi ôm lấy vai tôi:

- Con đừng khóc, ba đau lòng lắm.

- Ba cứ kể tiếp đi ba…

-…một hôm đi làm về, ông nội trao cho ba một đứa bé xinh xắn mà ba luôn hướng tâm về nó, đó là con. Bắt đầu từ đó ba đã gặp nhiều  phiền phức từ Điệp vì luôn nhắc chuyện ba phản bội, luôn đem con ra áp chế, ba phải nhịn để giữ sự yên lành cho con. Riêng ông nội mãi rồi cũng hết chịu nổi sự ương bướng của con dâu, ông bỏ về quê sống. Đến khi sắp mất ông mới kể rằng, vì không tin ba đã cắt đứt mối liên quan tới Diễm Hằng, họ không tin Hằng là người tốt. Điệp đã bày mưu và có sự tiếp tay của ông đã đưa Diễm Hằng vào những bế tắc và phải rời khỏi nơi đang cư trú. Không có công việc, không tiền để nuôi con, đó là lúc ông nội đến muốn nhận cháu, không còn cách nào khác cô ấy phải giao con để ra đi…

Tôi bắt đầu nức nở:

- Lúc đó ba ở đâu mà không tìm giúp…mẹ con?

- Trước đó biết bao nhiêu lần ba bị cô ấy xua đuổi rồi. Lại nghe ông nội nói rằng Diễm Hằng giao con để đi lấy chồng, thì ba không cho phép mình quấy rối cuộc sống của cô ấy nữa. Đến khi biết rõ câu chuyện thì đã muộn…ba không biết mẹ con trôi giạt phương nào.

Nỗi thống khổ xưa kia của bà Diễm Hằng, của mẹ ruột tôi được gợi lên, hâm nóng lại không phải ở bà mà ngay chính trong lòng tôi. Trời ơi! Sao tôi không nghe chuyện sớm hơn, để bao nhiêu oán hờn khiến tôi tàn nhẫn với bà.

Tôi hối hận dày vò vì thái độ lúc ban chiều. Tôi đã cố tình quất một lằn roi mà tôi biết đã trúng đích. Để rồi giờ đây biết mình nông cạn, tình thương yêu dành cho mẹ dâng lên trong lòng. Mẹ! Hãy tha thứ cho con, con nào biết đời mẹ cay đắng nhiều như vậy. Tôi rên xiết như một chú mèo bị ốm. Tôi khóc không thành tiếng, mong muốn được lập tức ngã vào lòng mẹ và cầu xin bà bỏ qua sự hồ đồ của mình.

Ba tôi dỗ dành:

- Nín đi con. Ba kể rõ như vậy là để con hiểu mẹ con không có lỗi khi rời xa con, chứ không phải để làm con đau lòng.

- Hiện giờ mẹ Hằng của con ở đâu?

- Khách sạn…*

ooo

Tôi gần như chạy lên bậc thềm của khách sạn. Ánh nắng rải vàng trên mặt thềm, ban phát sự ấm áp khắp nơi. Một buổi sáng tuyệt đẹp với bầu trời trong xanh. Nhưng tôi không quan tâm nhiều đến ngoại cảnh. Sự mệt mỏi sau đêm dài thức trắng được đẩy lùi vì nao nức trong lòng. Bước vào tiền sảnh của khách sạn, tôi nhờ nhân viên báo cho một người mà mới hôm qua thôi, tôi dặn lòng không bao giờ gặp lại. Tôi ngồi đợi, sự hồi hộp quá mức làm tôi cứ run lên. Tôi đang nghĩ đến một thái độ thích hợp trong giây phút gặp gỡ sắp tới. Bà Diễm Hằng...(Ồ! Bây giờ phải gọi là mẹ mới đúng chứ)…xuất hiện ở cầu thang, trên người bà còn mặc bộ áo ngủ, chỉ khoác thêm tấm khăn choàng. Bà sửng sốt nhìn tôi, có lẽ chưa biết xử trí ra sao vì không biết lý do sự có mặt của tôi, nhưng tôi đã đứng lên dang rộng đôi tay, lao người tới ôm chầm lấy bà, xúc động nghẹn ngào. Bà cũng phản ứng nhanh ôm lấy tôi:

- Con…Con của mạ!

Tôi không thốt nên lời. Nước mắt vốn dư thừa trong giếng mắt tôi mặc tình tuôn chảy. Bà đưa tay gạt nước mắt cho tôi:

- Con đã thông cảm cho mạ rồi phải không? Mạ mừng quá. Suốt đêm qua mạ không ngủ được vì lo lắng.

- Tha lỗi cho con, vì con không hiểu…

Buông nhau ra. Bà âu yếm vuốt ve tôi:

- Mạ không trách con, vì mạ cũng có lỗi. Bao nhiêu năm qua mạ chỉ ao ước có ngày gặp được con. Quả nhiên thượng đế đã nghe lời cầu xin của mạ.

- Con đã nghe ba kể rõ ngọn ngành…

- Giờ con hãy lên phòng mạ. Chúng ta phải cạn lòng với nhau con nhé. Mạ có nhiều thứ mang về cho con lắm.

- Không có gì làm con quý cho bằng một thứ mạ có.

- Thứ gì hả con?

-Tình thương của mạ!

- Con đáng yêu quá. Đêm qua có phải là con khóc rất nhiều. Mắt sưng mọng kìa.

Tôi cúi mặt xuống:

- Thì mắt mạ cũng vậy…

- Trước giờ con sống ra sao? Bà Điệp có thương con không?

Tôi biết mạ thắc mắc nhất điều ấy. Nhưng mọi chuyện đã qua rồi, tôi không muốn mẹ đau lòng khi biết sự thật, nên nói:

-Mẹ Điệp rất tốt, nên con mới không nghi ngờ con là con riêng của ba.

-Con nói dối! Thái độ và những câu nói khi đề cập đến con chiều hôm qua của bà ấy, cho thấy rất ác cảm với con. Trước mặt mọi người mà còn như vậy thì…

-…nhưng con nói thật mà.

Mạ thở dài:

-Dù thế nào mạ cũng mang ơn bà ấy đã nuôi dạy con. Mạ không có quyền trách nếu bà ấy ngược đãi con.

Tôi nói lảng đi:

- Hôm nay trời đẹp mạ nhỉ?

- Hay chúng ta ra ngoài đi dạo, đi ăn rồi còn ngắm cảnh?

- Dạ! Mạ thích thì con cũng thích.

Chúng tôi thư thả dạo quanh nhiều con đường, trao đổi với nhau nhiều chuyện riêng của nhau, không biết mỏi. Mạ chỉ không nhắc những gì có liên quan đến ba tôi, tôi tự hỏi, mạ có còn chút tình cảm nào dành cho người xưa không? Hay cuộc tái ngộ này lại gợi lên những kỷ niệm đắng. Còn với tôi, giờ thì tôi đang đứng ở một rằn ranh của sự phân chia. Tôi không thể có cùng lúc cả ba và mạ. Tôi sẽ chọn thế nào cho vẹn đôi đường.

Dừng lại bên Hồ Xuân Hương. Mạ trầm ngâm:

- Mực nước thấp và không trong xanh như ngày ấy…

Tôi liếc nhìn mạ, cố đoán xem bà nghĩ gì? “Ngày ấy…” phải chăng có hình ảnh của ba tôi. Dòng nước đục lặng yên dưới chân cầu, còn hình ảnh cũ có trôi vào lãng quên chưa? Tôi mong mạ còn nhớ, dù không để làm gì nữa.

- Bên ấy mạ sống với ai?

-Chồng của mạ và hai em của con.

- Mạ có còn nghĩ về…ba con?

Tôi thấy mình đặt câu hỏi không còn phù hợp, nhưng mạ trả lời:

- Ngày ấy không còn nữa con à. Bây giờ mạ có bổn phận và không muốn lỗi đạo với chồng của mạ. Ông ấy là người tốt, sự hiểu biết của ông làm mạ phải thán phục và không thể nghĩ về quá khứ. Người thầy giỏi ấy đã chữa lành vết thương cho mạ lâu rồi.

Tôi hiểu mạ muốn nói rằng bà đã quên ba tôi. Tôi chạnh lòng khi nhớ đến hình ảnh của ba trong đêm qua. Nó nói lên rằng sự trở về của mạ gây cho ông nhiều tiếc nhớ. Dù đường đời đã đưa họ về hai hướng. Nhưng tâm hồn ba tôi hẳn khó có sự bình yên đích thực. Tội nghiệp ba.

- Con đang nghĩ gì?

Tôi nghĩ đến hai người con của mạ. Tôi nghĩ đến Mai Hằng, Mai Hà, tất cả đều hạnh phúc vì được cả cha, mẹ bên cạnh. Chỉ có tôi cũng đủ ba mẹ nhưng không thể có cùng lúc bên mình cả hai. Tôi ngậm ngùi giấu tiếng thở dài.

Mạ kể “…sau khi rời Đà Lạt, mạ vào Sài Gòn. Nghĩ đến con và hy vọng gặp lại nên mạ cố sống lây lất dù vất vả. May mắn trong hoàn cảnh ấy mạ gặp ông Quân, ông ấy đã giúp mạ có việc làm và nơi tạm sống. Mạ cũng biết ngoài lòng tốt ra, ông Quân giúp mạ vì tình cảm nữa. Rồi ngày biến loạn xảy ra, lúc đó ông ấy là người thân duy nhất trên đời của mạ, nên mạ chỉ còn cách là rời khỏi đất nước bằng cách theo gia đình của ổng. Sang đó mấy năm thì mạ kết hôn cùng ông…

-…vì mạ muốn trả ơn?

-Không! Vì mạ yêu ông ấy.

- Vậy là mạ đã nhanh chóng quên ba con?

- Nhớ đến ba con là nhớ đến những sai lầm của mạ. Tuổi trẻ và sự cuồng nhiệt mà thiếu suy nghĩ thường làm người ta vấp ngã. Ba con là mẫu người yếu đuối, không dám đối đầu với hoàn cảnh. Thậm chí ngày mạ lâm vào bế tắc. Ông nội con còn biết cách truy ra chỗ mạ ở. Còn ba con thì…

- Con muốn mạ nghe sự thật, để giải tỏa và tha thứ chuyện cũ. Chính mẹ Điệp và ông nội đã dùng tiền bày mưu để không ai chứa chấp mạ, làm mạ lâm vào khó khăn và phải ra đi..

Một thoáng sửng sốt trong mắt mạ:

- Sao con biết?

- Ba mới kể cho con đêm qua!

Mạ cười chua chát:

-..Chỉ vì cái nghèo mà ra cớ sự! Vì thế mạ quyết tâm vượt qua số phận của mình và mạ đã thành công. Và thành công lớn nhất của mạ là tìm được con. Mạ sẽ bỏ qua mọi nghiệt ngã mà họ đã gây cho mạ để cám ơn trời đất.

Tôi theo mạ về khách sạn, nằm xoãi trên chiếc giường êm ái. Mùi nước hoa phảng phất trên gối làm tôi có cảm giác dễ chịu.

- Cho đến lúc này mạ vẫn tưởng mình đang mơ. Không ngờ được nhìn thấy con, ôm con trong tay.

- Nhưng mạ không có cảm giác con là một làn khói phải không? Còn con biết đây là sự thật nên rất sợ cái ngày mạ lại đi…

- Con có muốn sang với mạ không? Mạ sẽ có cách.

- Con đi với mạ là bỏ ba, ba rất cô đơn mạ à. Dù ba có một gia đình nhưng đó không phải là mái ấm yên ổn dành cho ba.  

Mạ thở dài:

- Số phận cả. Chỉ mong bà Điệp suy nghĩ lại và hiểu rằng hạnh phúc phần nhiều đến từ lòng vị tha. Rồi mạ sẽ xem có cách nào giúp ba con vượt qua sự khó khăn kinh tế hiện tại và giữ lại ngôi biệt thự. Nhưng việc đó đòi hỏi sự tế nhị, không thể thực hiện ngay. Mạ cần đền đáp công lao mà bà Điệp đã nuôi con.

Sau mấy ngày lưu lại Đà Lạt. Mạ chuẩn bị trở vào Sài Gòn sớm. Bà rất nôn nóng gặp người bạn học cũ là cô Út của tôi. Trước khi rời Đà Lạt, một bữa tiệc nhỏ tiễn mạ tôi được tổ chức tại nhà. Mọi người cố tỏ ra tự nhiên vui vẻ, thân mật với nhau. Nhưng tôi biết trong lòng ai cũng ngượng ngùng trộn lẫn  bâng khuâng, buồn.

Xe nổ máy chuẩn bị lăn bánh, ba tôi mới bước vội đến cửa mạ ngồi, cúi đầu nhìn vào cửa xe, ông nói:

- Diễm Hằng! Chúc em đi bình an. Anh cám ơn em vì tất cả…

Ông nói nhanh, khuôn mặt lộ vẻ xúc động. Mạ dịu dàng:

- Mong rằng những chuyện đã qua không làm anh bận lòng.

Có lẽ ba tôi muốn nói nhiều với mạ. Nhưng cuối cùng chỉ một câu ngắn ngủi, rồi ông lầm lũi quay vào. Mẹ Điệp đứng lấp ló bên cửa sổ nhìn ra, bà nghĩ gì? Tôi cúi mặt thở dài. Rồi xe lướt êm.

- Mạ! Con thấy tội nghiệp ba.

Mạ cắn môi, không nói gì. Tôi tiếp: 

- Con cho rằng ba vẫn còn nghĩ đến mạ.

Mạ choàng tay qua vai tôi:

- Phải biết chọn lối thoát cho mình con ạ. Đời người như giòng sông, không ai có thể làm bẩn một chỗ nước đến hai lần. Bây giờ ai cũng có bổn phận, nuối tiếc quá khứ vốn sai lầm chỉ chuốt lấy phiền não.

Tôi tựa đầu vai mạ. Gió thổi vào xe lồng lộng.

Có cơn gió nào thổi được hình ảnh mạ trong lòng ba tôi!

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

Nước mắt mùa Thu

Phạm Duy

https://youtu.be/8ybXhPEXJQo?si=Z07QPTz_DV7NnvNc

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đi sau bóng mình /Truyện ngắn

  R x76 Truyện ngắn Đi sau bóng mình Đơn Phương Thạch Thảo Bình dừng xe ngang trước cửa nhà Duyên để tiện dòm chừng trộm, cẩn thận k...