Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2017

Mùa Hè Dễ Thương _ Truyện ngắn


  

x 4.

Truyện ngắn

   Mùa  Hè  D Thương

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

Thế là chấm dứt tuần lễ tôi du lịch thành phố. Khi chuyến xe bắt đầu rời bến, bỏ lại tiếng rao hàng ồn ào phía sau, gió sớm thổi vào xe mát lạnh, đến chừng ấy tôi mới thấm buồn. Chuyến đi hoàn toàn không đạt mục đích. Gục đầu xuống đôi tay khoanh tròn lên yên ghế trước, tôi nhớ lại hôm chuẩn bị đi, cả nhà ngạc nhiên khi nghe tôi tuyên bố:

- Hè này Vân sẽ đi Sài Gòn.

Chị tôi tròn mắt rồi trêu tôi:

- Vân dám rút tiền tiết kiệm thật sao?

Anh trai tôi thêm vào:

- Chà! Cuối cùng thì Vân cũng chịu…đổi mới.

Em trai tôi thè lưỡi tỏ ý không tin:

- Có thể ghi vào chuyện khó tin nhưng có thật.

Mẹ tôi từ tốn:

- Chúng mày cứ trêu nó, thì phải đi cho biết đó biết đây với người ta chứ.

Em trai tôi lại chen vào:

- Thì do chị ấy thôi , đi đâu cũng sợ tốn tiền.

Tôi cãi lại:

- Tại không có tiền chứ không phải sợ tốn tiền.

Tuy nói thế nhưng mãi đến khi tôi sắp xếp quần áo vào túi  xách thì cả nhà mới tin rằng tôi đã quyết định. Mẹ tôi dúi cho tôi gói thuốc đau răng, đau bụng, dầu gió vào túi tôi. Anh tôi cho thêm ít tiền và dặn “Đi Sài gòn mà không đến Thảo Cầm Viên là một thiếu sót, đến Thảo Cầm Viên mà không chụp một tấm hình  ngay chuồng con cù lần lại là một thiếu sót hơn”.

Chị tôi dặn xuống xe phải cẩn thận giữ đồ đạt kẻo kẻ gian cuỗm mất như chơi. Lớ ngớ  như Vân thì  không  chừng “Mẹ mìn” dắt đi luôn.

Em trai tôi cũng tranh thủ truyền “Kinh nghiệm”. Đọc báo chị thấy đấy, chuyện gì  cũng phải đề phòng, cảnh giác, đừng tin người lạ, và bao nhiêu là chuyện trên đời, cứ nghe xong là tôi muốn chết khiếp. Nhưng cái lý do thúc đẩy, làm tôi quyết không bỏ qua ý định thì không ai biết được, chỉ nghĩ rằng tôi không bao giờ đi xa thì hôm nay muốn thay đổi, vậy thôi.

Thành phố ấy mới ồn ào, náo nhiệt làm sao. Đường phố xe cộ dập dìu, người thì đông đúc không êm đềm như xứ lạnh của tôi, cái gì cũng lạ làm tôi cứ đảo mắt nhìn quanh quất, tay ôm mấy thứ lặt vặt, vai đeo giỏ hành lý. Trống ngực tôi cứ đánh loạn xị không cần trật tự gì cả. Cứ thấy ai nhìn là tôi ôm chặt hành lý cho... chắc ăn!

Tôi cứ hỏi chừng bác cyclo sắp đến nhà chưa? Bác hỏi lại “Cô mới vào thành phố lần đầu à?” Tôi sực nhớ đến chuyện… cảnh giác! “À dạ không, đi nhiều lần rồi nhưng hôm nay tại cháu quên đường”.

Cuối cùng thì sự lo lắng của tôi cũng chấm dứt, tôi đã đến nhà dì tôi bình an vô sự, chẳng thấy ai theo dõi, hay có vẻ muốn cướp giựt hành lý, đồ đạc của tôi.

Những ngày sau đó Quỳ Hương, con của dì tôi đưa tôi đi chơi cùng khắp, nhưng khi chuẩn bị ra đường y rằng tôi được dặn:

- Muốn ngắm gì cứ ngắm tự nhiên, đừng trố mắt ngạc nhiên cũng đừng xuýt xoa, người ta cho mình là… nhà quê lên tỉnh đó. Người Đà Lạt “Tây” lắm chứ, còn chị sao…

Tôi hỏi lại:

- Nhìn chị quê mùa lắm sao?

- Xinh ra phết chứ lị, chỉ có cái tội ngơ ngác của chị, buồn cười thí mồ.

Tôi thở dài:

- Tại chị ít giao thiệp, mà cũng chẳng đi đâu ngoài con đường từ nhà đến trường. Nhưng nếu gặp chị lần đầu có thể... cảm tình được chứ?

- Chị có vẻ lo lắng ngộ ghê. Dĩ nhiên là có thể  “Cảm” ngay chứ nói gì là cảm tình.

Những câu hỏi của tôi đã khiến Quỳ Hương nghi ngờ, và do sự điều tra khéo léo của nó, tôi đã phải khai ra  chuyện mà tôi định giấu kín để  âm thầm thực hiện. Tôi có một người quen…

Chuyện bắt đầu từ  người bạn gái cùng trường với tôi đăng lời rao tìm bạn trên báo, thư bốn phương bay về tới tấp, cô không hồi âm hết, chỉ chọn một số, còn bao nhiêu . . .bỏ! Trong số thư  đó tôi vô tình đọc thấy  thư của Tâm. Lời lẽ ý nhị và nét chữ đẹp làm tôi có thiện cảm, vậy là tôi mang về hồi âm. Thư đi, tin lại...

Người bạn à không, người anh tinh thần kia dù chưa biết mặt mũi ra sao, nhưng đã gây cho tôi một ấn tượng đẹp, tôi cảm thấy những lá thư của Tâm không thể thiếu trong cuộc sống ít giao thiệp bạn bè của tôi.

Quỳ Hương nhún vai khi nghe tôi kể xong:

- Chuyện xưa như trái đất í, có gì ngại mà giấu? Đưa địa chỉ đây, ngày mai em sẽ đưa chị đến trúng phóc.

Không đơn giản như là tôi tưởng, cuộc đi thăm không hẹn trước ấy đã làm tôi muốn hụt hơi, đổ mồ hơi giữa cái nóng của Sài Gòn. Sau khi đi vào một con hẻm dài, cua phải, quẹo trái, dò dẫm ra địa chỉ thì Tâm lại đi vắng không biết bao giờ về, gia đình anh tiếp chúng tôi vui vẻ.

Không đợi được, tôi ghi vội mấy dòng gởi lại “Duyên có đến thăm nhân dịp vào Sài Gòn mà không gặp anh Tâm, có lẽ Duyên phải về Đà Lạt ngay nên không quay lại thăm anh được” (Duyên là tên người  đăng lời rao tìm bạn mà khi viết thư tôi chưa tiện đổi lại tên tôi)

Hôm nay tôi đang trên đường trở về, biết bao giờ có cơ hội để trở lại thành phố, bất giác tôi thở dài.

Mùi xăng bốc lên làm tôi choáng váng, thực sự mệt mỏi vì không quen đi xe. Bên phải là một bà cụ to béo, bên trái là một anh thanh niên cùng chật chội trên một băng ghế bốn người, tôi  mong xe chạy nhanh hơn cho mau về đến nhà.

Khi xe dừng lại để ăn trưa, tất cả hành khách xuống xe, tôi vội tìm nước rửa  mặt, nước mát làm tôi tỉnh táo hơn. Trong khi chờ mọi người ra, tôi đứng tựa vào xe, cặp giò được phóng thích khỏi sự gò bó trong xe tha hồ nhịp gót.

Tôi lại nghĩ đến tuần lễ vừa qua, những cuộc rong chơi không có gì thú vị, biết thế thì chẳng đi làm gì khi mục đích chính không đạt được. Tâm sẽ nghĩ sao? khi  nghe tôi đến nhà bất ngờ như thế...

- Cô không vào dùng cơm trưa sao?

Tôi ngẩng lên nhìn, anh bạn đồng hành ngồi bên cạnh tôi trên xe đang đứng trước mặt. Bây giờ tôi mới chú ý, một người người  trạc tuổi ba mươi, ăn mặc giản dị, lịch sự. Tôi mỉm cười đáp:

- Dạ không, tôi không quen ăn khi đi xe.

Anh ta tự nhiên:

- Vậy mời cô vào uống nước, đứng đây nắng lắm.

Tôi lắc đầu từ chối:

- Cám ơn anh, xin anh cứ tự nhiên...

Người ấy quay đi, tôi mơ mộng nhìn những đám mây lơ lững trên bầu trời. Thử hình dung xem Tâm như thế nào nhỉ? Giá mà tôi có một tấm hình của anh, sao tôi lại nghĩ đến điều này muộn thế kìa? Nhưng chắc Tâm không đến nỗi... xí! Dân mô phạm mà lị, một người văn hay chữ tốt.

Mọi người lần lượt ra xe, tôi lại thu người vào chỗ  ngồi chật ních, hơi nóng làm tôi khó chịu. Bà cụ ngồi bên phải cứ ép tôi vào anh thanh niên bên trái. Thân hình thuộc loại gầy của tôi càng co dúm lại. Hiểu được sự ngột ngạt của tôi, anh bạn đồng hành bèn tỏ lòng tốt của mình:

- Cô có thể đổi chỗ cho tôi, ngồi phía cửa có lẽ thoải mái hơn.

Tôi mừng rỡ:

- Ồ! Thế thì cám ơn anh nhiều quá.

Lách sang chỗ ngồi mới, gió lồng lộng thổi vào mặt, càng lúc không khí càng dễ chịu. Đoạn đường thu ngắn dần. Một số khách lần lượt xuống xe, chỗ ngồi rộng hơn, bấy giờ tôi mới quay sang hỏi chuyện người bên cạnh:

- Hình như anh không phải dân Đà Lạt?

- Sao cô nghĩ vậy? (Anh ta hỏi lại)

- Nghe tiếng nói của anh!

Anh ta cười hiền lành:

- Đúng rồi! Tôi ở Sài Gòn lên đây thăm bà con, còn cô?

Tôi hóm hỉnh cười:

- Còn tôi thì lại xuống Sài Gòn thăm bà con.

Bà cụ kế bên liếc mắt nhìn sang tôi vẻ soi mói, thế là tôi im tịt, cắt ngang câu chuyện.  Cho đến khi xe về đến bến, anh bạn đồng hành hẳn phải ngạc nhiên vì thái độ của tôi.

O0O

- Có người mới đến đây hỏi thăm Duyên, sao không đến nhà nó mà lại đến nhà mình?

Tôi giật thót người khi nghe mẹ tôi nói:

- Hỏi thăm Duyên ? Hỏi sao hở mẹ?

- Anh ta nói ở Sài Gòn mới lên, chưa kịp báo tin trước. Mẹ nói Duyên là bạn của Vân nhà này nhưng không có ở đây.

Tôi bối rối:

Mẹ tôi trố mắt không hiểu:

- Duyên là con, chứ không phải là... Duyên đâu!

- Cái gì? Sao con mà lại là Duyên? Chúng mày hôm nay làm sao vậy nhỉ?

Không tiện giải thích cho mẹ tôi hiểu được. Tôi quay về phòng, cảm thấy không yên, lẽ nào Tâm đã có mặt ở thành phố này, từ bao giờ? Chúng tôi đang chơi trò cút bắt đây sao? Rồi anh có trở lại không khi nghĩ đây không phải là nhà của người anh quan hệ thư từ? Bao nhiêu là câu hỏi  cứ lộn xộn trong đầu, không thể viết thư cho Tâm kịp nữa rồi. Tôi muốn kể cho anh nghe về chuyến vào Sài Gòn của tôi. Tâm trạng của tôi lúc này và không quên giải thích cho anh hiểu, người viết thư cho anh tên thật là Vân.

Thời gian trôi qua trong sự ngóng đợi, tôi không thấy bóng dáng Tâm. Buổi chiều quay quần bên mâm cơm, chị tôi lên tiếng trước:

- Nhỏ Vân đi Sài Gòn về chợt trầm tư mặc tưởng.

Tôi nhướng mắt lên nhìn, anh trai tôi nhận xét:

- Đôi mắt bồ câu của Vân hôm nay con đậu, con... bay!

Em trai tôi bổ khuyết:

- Cánh cửa sổ tâm hồn của chị Vân hôm nay bị... sút bản lề! Em nghi có “vướng” đề gì đó xảy ra rồi.

Tôi phản đối:

- Đừng đón mò rồi nghĩ bậy bạ…

Cả nhà cười ồ, lại giọng của thằng em tôi:

- Hí...hí...người ta có nói gì đâu mà vội... có tật giật mình.

Mẹ  tôi kết luận:

- Tụi mày sao cứ nhè vào nó mà chọc ghẹo hoài vậy nhỉ?

Buổi chiều trôi qua trong điệu Slow.

O0O

Buổi sớm Đà Lạt vẫn còn gai lạnh dù sương mù đã tan trên đồi cây. Tôi ra vườn ngắt một đóa hồng nhung cắm nơi bàn, sửa lại bức rèm nơi cửa sổ, quét dọn kỹ phòng khách. Trong lòng tôi cứ nôn nao.

Mẹ tôi ra chợ từ sớm, anh chị tôi đi làm, em trai tôi xách cặp vợt phóng đi hoang phí cho hết những ngày hè của nó. Chỉ còn mình tôi ở nhà vì tôi tin rằng Tâm sẽ trở lại.

Mặt trời đã ngả bóng ngang sân. Tôi chán nản vì không thấy người khách tôi đang mong.

Tôi mang cây đàn ra đàn cho đỡ sốt ruột, cảm giác bâng khuâng lần đầu tiên trong đời mà tôi có, cũng thú vị lắm. Tôi hình dung Tâm đến nhà không gặp tôi, dĩ nhiên anh sẽ buồn. Đêm qua có khi anh không ngủ được, với điếu thuốc trên tay anh thì thầm gọi Vân à quên, Duyên chứ! Và cũng có khi anh một mình lang thang giữa thành phố lạnh, đi ngang qua... nhà tôi, ánh đèn đã tắt, anh thở dài.

Ồ! Thật là một hình ảnh lãng mạn. Lần đầu tiên tôi để cho trí tưởng tượng của mình làm họa sĩ, thật hứng thú nên tôi hát to lên:

- Một đàn kiến nhỏ, chạy ngược chạy xuôi. Chẳng ra hàng một cũng chẳng hàng đôi, đang chạy bên này liền sang bên nọ, cắm cổ cắm đầu kìa trông xấu quá, chúng em vào lớp sóng bước hai hàng chẳng như kiến nọ rối  tinh cả đàn...

Tôi đàn loạn xị, bởi vì tôi có biết đàn đâu, còn giọng ca thì tôi yên chí vì ngày nào mà tôi chẳng ca cho mấy cháu mẫu giáo ở hàng xóm nghe, tôi cứ hát đi hát lại khúc hát trên, đến khi giật mình vì  tiếng động ngay cửa, tôi mới ngẩng lên, buông cây đàn ra trong sự ngỡ ngàng. Người đứng trước mặt tôi cũng không kém vẻ ngạc nhiên.

Đó là anh bạn đồng hành của tôi trên chuyến xe hôm trở về, cuộc hội ngộ cứ như là mơ, một giấc mơ tuyệt đẹp. Nắng mùa hè ở cao nguyên bao giờ cũng dễ thương!

(Đơn Dương 6.3.1989)

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

* Việt Nam Daily (Califonia) Số 5560 Thứ Bảy 17.5.2008

 

Điệu buồn đêm mưa

(Vinh Sử - Tú Nhi)

https://youtu.be/i4UofW7IvS8?si=b8mTOVFjfqmT0dS_





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đi sau bóng mình /Truyện ngắn

  R x76 Truyện ngắn Đi sau bóng mình Đơn Phương Thạch Thảo Bình dừng xe ngang trước cửa nhà Duyên để tiện dòm chừng trộm, cẩn thận k...